Đội mũ bảo hiểm chỉ vì CSGT?
Đã gần 6 năm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người điều khiển, người ngồi trên xe gắn máy đi vào cuộc sống của người dân, tuy nhiên, với hầu hết người đi đường, đội mũ bảo hiểm chỉ là để không bị CSGT “tuýt còi” chứ không vì bảo đảm an toàn. Vì vậy, không đâu như ở Việt Nam, người đi đường đội mũ bảo hiểm lại với đa dạng chủng loài, phong phú về màu sắc và hình dáng như vậy. Nhưng hầu hết những chiếc mũ bảo hiểm này đã không đúng từ cái tên gọi, bởi vì chúng không thể bảo vệ người đội khi có sự cố xảy ra, nên chúng thực chất chỉ là na ná mũ bảo hiểm, hao hao giống mũ bảo hiểm.
Sắp các đường phố, những địa điểm bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn về hình dáng và chất lượng luôn sẵn có để phục vụ người đi xe máy. Còn người mua cũng nhiệt tình ủng hộ, bởi vì đội mũ nhẹ, giá lại rẻ (có bị mất trộm cũng không tiếc) và cốt yếu là đội những mũ này cũng không vi phạm luật giao thông. Vì vậy, việc chúng có tốt hay không, có thể giúp giảm thiểu thương vong hay không, người đi đường cũng không quan trọng lắm. Và điều này vẫn chỉ là kinh nghiệm xương máu với riêng những người phải vào bệnh viện vì những chiếc mũ không phải bảo hiểm.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2014, riêng tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận số nạn nhân cấp cứu do tai nạn giao thông là 4.134 trường hợp, trong đó có đến 1.023 trường hợp bị chấn thương sọ não. Trong số này, số nạn nhân không đội mũ bảo hiểm chiếm 6%. Số trường hợp mũ bảo hiểm bị vỡ, nạn nhân đội mũ không đúng quy cách và mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc chiếm 6%.
Mũ bảo hiểm đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69%, giảm khả năng tử vong tới 42%. Nhưng người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ gặp nhiều nguy cơ khi gặp sự cố, tai nạn. Các loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng hiện nay hầu như không có khả năng bảo vệ người đi xe máy khi bị tai nạn.
Bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn
Cũng chính vì thực trạng trên, vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, từ nay đến tháng 7 sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, trong tháng cao điểm từ 20/5 - 19/6, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục về sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu mũ bảo hiểm xe máy đúng quy chuẩn chất lượng.
Đặc biệt, từ ngày 1/7, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Để chấp hành quy định trên và quan trọng là để bảo đảm an toàn cho chính mình, người đi xe máy cần trang bị những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mũ bảo hiểm kém chất lượng, sản phẩm mũ bảo hiểm giả mạo, và hầu hết được bày bán trên vỉa hè, lề đường. Vì thế, người tiêu dùng không nên mua mũ bảo hiểm ở các điểm bán lễ đường, vỉa hè vì khả năng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng gần như là 100%. Người tiêu dùng nên mua mũ bảo hiểm ở các cửa hàng, đại lý, showroom của các thương hiệu uy tín.
Theo Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy và theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN, thì cách nhận biết cơ bản mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn như sau:
- Cấu tạo cơ bản phải có đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.
- Mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ thì độ dài lưỡi trai không quá 50mm. Mũ có lưỡi trai mềm gắn liền vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai không quá 70mm. Mũ có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm. Mũ không hạn chế việc nghe, nhìn.
- Khối lượng của mũ, kể cả các bộ phận kèm theo, không được lớn hơn:
+ Đối với loại che cả đầu, tai và loại che nửa đầu: 1,0 kg ( với mũ cỡ lớn) ; 0,8 kg (với mũ cỡ trung và cỡ nhỏ).
+ Đối với loại che cả đầu, tai và hàm: 1,5 kg (với mũ cỡ lớn); 1,2 kg (với mũ cỡ trung và cỡ nhỏ).
- Vỏ mũ nhẵn, mịn không có những vật nhọn chìa ra ngoài hoặc vào trong. Các đầu đinh tán, bu lông có trong mũ không cao quá 2mm. Dùng tay ấn nhẹ vào lõi xốp bên trong mũ thấy lõi xốp cứng mịn, không bị lõm. Nếu mũ có kính chắn gió phải trong, nhìn rõ.
- Được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Điểm i, Điểm k, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật
Hồng Ân (Ảnh Internet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét