Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Ẩn họa chết người vì tập thể dục trên đường

Tập thể dục để rèn luyện sức khỏe nhưng vì một chút bất cẩn của người thực hiện, “sự nghiệp” thể thao có thể mang tai họa. Khi đi bộ, chạy bộ trên đường ngay ở dưới lòng đường cùng các phương tiện giao thông khác, nhiều người đã không may bị những tai nạn trầm trọng.

Thể dục mọi lúc mọi nơi

Hiện nay, ngoài giờ buổi sáng, người đi tập thể dục còn chọn thời gian vào chiều tối.  Đối tượng thì đầy đủ từ thanh niên tới trung niên. Với những người sống ở thành thị thì hầu hết đi bộ hoặc chạy xe tới các công viên, bãi đất trống ở gần nhà để tập thể dục; còn ở các khu vực nông thôn, nhiều người tập thể dục ở ngay trên đường!

Tập thể dục dưới lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. (Ảnh Internet)
Nếu như vào buổi sáng, giao thông khá vắng vẻ thì người chạy bộ trên đường (chạy một đoạn để tới địa điểm tập thể dục hoặc chạy thể dục luôn trên đường) vẫn khá an toàn. Tuy nhiên, nếu như vào chiều tối, xe cô đi lại vẫn đông đúc, người đi bộ, chạy thể dục trên đường có thể gặp nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Bởi vì khi đi tập thể dục, không phải tất cả các đoạn đường đều có vỉa hè nên đôi khi nhiều người phải đi ở dưới lòng đường. Dù là sát với rìa đường, nhưng người đi đường vẫn gặp rất nhiều nguy hiểm bởi vì khi đi trên đường mà đi kiểu tập thể dục thì mọi người không tập trung hoàn toàn vào đường đi, mà một phần bị dao động bởi hơi thở, bước đi…; hơn nữa, vào thời gian chiều tối, tầm nhìn khá hạn chế, nhất là với những bác ở tuổi trung niên sẽ khó nhìn đường, chậm phản ứng khi có biến cố xảy ra; chưa kể nhiều chủ phương tiện lái xe ẩu, thiếu quan sát có thể ép người đi đường và gây tai nạn.

Tai nạn trên đường đi tập thể dục

Trong thực tế, nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra với những người đi tập thể dục trên đường. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 28/2, tại giao lộ Calmette-Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp.HCM, làm một người đàn ông đi chạy thể dục tử vong.

Nạn nhân được xác định là ông Đỗ Văn Đặng, 60 tuổi, ngụ Quận 1, Tp.HCM. Vào thời điểm trên, ông Đặng đi bộ từ nhà ra công viên 23/9 để tập thể dục. Khi đến giao lộ trên, vì bị rào chắn của công trình xây dựng The One chiếm hết vỉa hè nên ông Đặng phải đi xuống lòng đường.

Cùng lúc này, do tài xế xe buýt BKS: 53N-5317 ôm cua từ đường Lê Thị Hồng Gấm sang đường Camlmette không quan sát nên ép chặt ông Đặng vào tường hàng rào của công trình khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: VOV)
Và không chỉ có thể bị thương vong với các phương tiện ô tô, người đi tập thể dục còn có thể bị nguy hiểm với cả xe gắn máy, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Đông vào hơn 1 năm trước. Cụ thể vào lúc 21 giờ ngày 9/3/2013, trong lúc đi bộ tập thể dục trên tuyến đường gần nhà, bà Đông (ngụ xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc -Đồng Nai) đã bị ông Lưu Quốc Thái (41 tuổi, ngụ cùng xã) điều khiển xe máy đụng phải, khiến bà Đông bị chấn thương sọ não và bị tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM).

Từ các vụ việc kể trên, có thể thấy rằng người đi tập thể dục trên đường bị rình rập bởi rất nhiều nguy hiểm từ các phương tiện giao thông xung quanh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, khi đi tập thể dục, chúng ta nên tập ở nơi thoáng đãng, không có xe cộ qua lại như trong công viên, vườn hoa, hay các khu vực dành riêng cho người đi bộ, chứ không nên đi bộ, chạy bộ ở trên các tuyến đường giao thông. Và khi đi tới các địa điểm này, nếu đoạn đường có vỉa hè thì chúng ta có thể chọn cách đi bộ, chạy bộ; còn nếu không có vỉa hè thì nên sử dụng một phương tiện cơ giới nào đó như xe đạp, xe máy, người già không thể điều khiển xe thì có thể nhờ người khác chở, đi xe ôm…
Tập thể dục ở công viên tránh được nguy cơ gặp tai nạn. (Ảnh Sưu tầm)
Nói chung, bằng mọi cách, dù là một đoạn ngắn, hay cả thời gian dành để thể dục, chúng ta cũng không nên đi bộ, chạy bộ trên đường mà cần đến những nơi thích hợp cho việc tập thể thể dục như công viên, vườn hoa...Và ngay cả trong trường hợp bắt buộc phải đi bộ dưới lòng đường để đến nơi tập thể dục thì chúng ta nên tập trung chú ý vào việc tham gia giao thông, chứ không nên tranh thủ đoạn đường đó để đi bộ, chạy bộ (kiểu tập thể dục).

Tập thể dục nhằm rèn luyện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Vì vậy, chúng ta không nên vì một chút sơ suất của việc đi trên đường mà đánh mất đi mục tiêu mà chúng ta đã bỏ sức ra để hướng tới. 

Hạnh Nhân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét