Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Cước vận tải tăng gấp đôi sau lệnh tổng kiểm tra tải trọng

Đợt tổng kiểm tra tải trọng trên quốc lộ buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm lượng hàng chở trên mỗi xe và dự báo cước có thể tăng mạnh do chi phí đội lên.



Bộ Giao thông Vận tải mới đây đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo cảnh sát giao thông siết chặt tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn, đồng thời, yêu cầu lái xe vào bãi hạ tải phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh.

Cả tuần nay ông Minh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gạo Hùng Minh ở huyện Cái Bè, Tiền Giang rất lo lắng khi phía chủ xe thông báo tăng giá cước vận chuyển. Trước đây, giá cước vận chuyển gạo từ Tiền Giang về Sài Gòn dao động  120.000-130.000 đồng một tấn. Nhưng 3 ngày trước, chủ xe thông báo nâng giá lên 220.000 đồng một tấn. “Hoảng quá, tôi chạy tìm chủ xe khác thì mức giá bên đó thông báo còn cao hơn chỗ cũ, đồng ý thì họ mới chở”, ông Minh ngao ngán nói.

Các chủ xe lý giải giá cước tăng là bắt buộc. Bởi lâu nay, để có mức giá 130.000 đồng một tấn, nhà xe thường cho chở vượt tải trọng 100-150%. “Họ nói thẳng với tôi, giờ mà chạy đúng tải trọng, giá cước không thay đổi như trước đây, chắc chắn tiền thu về không đủ chi phí xăng dầu, tài xế, nói gì đến có lời", ông Minh cho biết.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, sau khi áp dụng kiểm tra tải trọng xe từ ngày 1/4,  giá cước van chuyen hang hoa  nói chung tại đồng bằng sông Cửu Long tăng trên 50% so với trước đó, và được dự báo có thể còn tăng nữa.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng còn lo lắng hơn. Tổng giám đốc một doanh nghiệp thép ở TP HCM cho hay, từ khi quy định siết chặt, một tháng chi phí vận chuyển của công ty tăng lên gấp đôi so với bình thường. Thay vì trước đây một tháng doanh nghiệp này phải trả khoảng 5 tỷ đồng, nay lên gần 10 tỷ đồng.

“Giá cước cao nhưng vẫn phải chấp nhận, vì nếu để hàng hóa lưu kho bãi lâu, chúng tôi không chỉ mất tiền lưu kho bãi mà chi phí cơ hội cũng như cung cấp nguyên liệu cho sản xuất sẽ bị đình trệ”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ.

Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch Công ty Đá Phủ Quỳ cũng chia sẻ, doanh nghiệp vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Ở công ty ông, riêng cácloại đá đắt tiền, cước vận tải tăng khiến chi phí cho sản phẩm này tăng 12% so với trước đây. Song ông Hoài cho hay buộc phải chấp nhận vì "không thuê không được", trong khi công ty cũng phải đảm bảo đơn hàng xuất khẩu cho đối tác.

Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Minh Liên cho biết, lệnh kiểm tra tải trọng xe khiến doanh nghiệp ông phải tăng chi phí bến bãi, nhiều khách hàng hủy bỏ hợp đồng vì cảm thấy thiếu thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa giữa đối tác trong và ngoài nước.

Khi vận chuyển hàng hóa cho một công ty xuất nhập khẩu, mặc dù đã giải thích nhiều về quy định mới, nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa không chấp nhận vì theo họ quy định không khớp với tiêu chuẩn quốc tế.

Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn quốc tế, một container 20 feet được chở hàng hóa có trọng lượng 20-22 tấn, container 40 feet chở 26-28 tấn, nhưng quy định của Việt Nam chỉ cho phép container 20 feet chở đúng trọng tải hoặc thấp hơn vài tấn. Nên thời gian tới nếu phải chở đúng trọng tải, số lượng chuyến vận chuyển sẽ tăng lên dẫn tới chi phí và thời gian vận chuyển cao thêm 30-40%.

Mặt khác, dù đơn hàng vận chuyển giảm so với thời điểm trước, các công ty vận tải vẫn phải đóng đầy đủ phí bảo trì đường bộ. Theo quy định, mỗi xe vận chuyển đóng 7-10 triệu đồng một năm dù van chuyen  nhiều hay ít. Vì vậy, càng ngày chi phí càng đè nặng khiến doanh nghiệp bế tắc hơn.

“Chúng tôi rất muốn chở đúng tải, có chăng cũng chỉ xê dịch hơn so quy định một chút để giúp khách hàng. Việc chở quá tải chỉ chủ hàng có lợi chứ nhà vận tải không có lãi. Với tình hình vận chuyển có nhiều biến đổi, thời gian tới giá cước có thể sẽ tăng”, ông Phú nói.

Tuy nhiên, ông Phú cũng cho biết để giải quyết được vấn đề này cần sự thấu hiểu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đối tác, kho bãi, cảng… để cùng nhau chấp hành đúng quy định và có hướng xử lý hiệu quả, không gây thất thoát.

Ông Huỳnh Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Phú Mỹ cũng cho hay, trước mắt quy định sẽ làm cho một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ đơn hàng gặp khó khăn. Một số đơn hàng ký dài hạn phải chịu lỗ vì ký với giá rẻ, nhưng những đơn vị ký theo từng lô hàng trong thời gian ngắn thì hầu như không ảnh hưởng nhiều.

Ngoài ra, theo ông Thịnh việc siết chặt này trước khó khăn nhưng về lâu dài đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vận tải. Các đơn vị vận tải sẽ hạn chế rủi ro khi đi trên đường, tài xế không bị phạt tiền và giam bằng lái. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển sẽ tăng lên 1,5-2 lần so với trước đây.

Đánh giá về việc siết chặt trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Ôtô Vận tải cho biết, ông ủng hộ việc kiểm tra trọng tải xe ôtô trên đường quốc lộ, còn việc giá cước vận tải tăng cũng là lẽ đương nhiên. Song, ông cho rằng đây sẽ là cơ hội thiết lập lại trật tự thị trường, tránh việc doanh nghiệp tăng tải trọng quá mức để giảm giá cước, cạnh tranh thiếu lành mạnh. "Đây sẽ là cơ hội để giá cước vận tải trở về giá trị thực", ông nói.

Ông Thanh nhấn mạnh thêm, cơ quan kiểm tra cần ngăn chặn những hành vi nhận tiền mãi lộ để bỏ lọt xe vi phạm, gây thiệt thòi cho các đơn vị khác. Các tiêu cực cần được phản ánh để xử lý kịp thời.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong một tuần kiểm tra xe quá tải từ ngày 1/4 đến 7/4 đã kiểm tra 4.122 xe, trong đó có 750 xe vi phạm (chiếm 18,2%). Hiện 39 trong tổng số 63 tỉnh triển khai trạm cân lưu động được cấp, còn 24 tỉnh chưa làm xong thủ tục để đưa cân lưu động vào kiểm tra. Nhiều địa phương chỉ kiểm tra xe quá tải trên đường địa phương hoặc các tuyến quốc lộ không có nhiều xe quá tải và chưa kiểm tra chặt trên các quốc lộ trọng điểm như quốc lộ 1A, 18, 5.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ nhắc nhở và phê bình 25 địa phương, trong đó có TP HCM về việc chưa làm chặt việc kiểm soát tải trọng xe.

Tại TP HCM, việc kiểm soát tải trọng nhiều nơi vẫn còn khá buông lỏng. Sang, một tài xế xe cẩu hàng cho biết, cả tuần nay chạy tuyến TP HCM đi Vũng Tàu vẫn “bình an vô sự” dù xe chở quá tải. “Tôi chạy xe cẩu 8 tấn, nhưng phần lớn tải trọng của xe luôn ở mức 15-20 tấn. Không phải mình tôi, mà 10 xe đầu kéo khác trong công ty chở quá tải 8-10 tấn là chuyện thường”, Sang tiết lộ.


Theo Vnexpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét