Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

làm ngơ chất hàng lên xe khách vì lợi nhuận

Thay vì chở người, các nhà xe lại ham vận chuyển hàng đến như vậy? Việc quản lý, kiểm soát an toàn hàng hóa trên xe khách được tiến hành như thế nào? PV Báo Giao thông tiếp tục gặp gỡ các lái xe, chủ xe, những người trực tiếp tham gia vào việc vân chuyển hàng quá tải và đại diện các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ câu chuyện này.

Bài viết liên quan  : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
làm ngơ chất hàng lên xe khách vì lợi nhuận

Chở hàng lời hơn chở khách

Sáng 1/10, trở lại bến xe Chợ Vinh, PV tìm gặp lái xe, phụ xe của xe khách BKS 38H-5515 của nhà xe Sơn Bình, chạy tuyến Vinh - Hương Khê (Hà Tĩnh), khi họ đang tất bật chuyển hàng từ xe tải lên xe khách. Quan sát chiếc xe này, PV nhận thấy một nửa số ghế trên xe đã được tháo rời, thay vào đó là những thùng hàng đủ loại từ bánh kẹo, thức ăn gia súc đến những hộp carton được đóng kín không biết chứa hàng gì bên trong. Chốc chốc lại có người đi xe thồ chở đến. Không cần kiểm tra, phụ xe chuyển tất cả các thùng hàng lên xe, đánh số thứ tự và ghi lại số điện thoại người gửi, người nhận.

Hẳn độc giả vẫn chưa quên vụ nổ bình oxy trên xe khách xảy ra tại Nghệ An ngày 17/2 gây ra cái chết oan ức của bốn hành khách đi trên xe và 13 người khác bị thương. Gần đây nhất, trưa ngày 30/9, cũng tại Nghệ An lại tiếp tục xảy ra vụ nổ đài cassette trên xe khách làm ba người bị thương nặng. Cả hai vụ việc đều bắt nguồn từ việc xe khách nhận vận chuyển hàng hóa. 

Chị N.T.B tự xưng là người của nhà xe Sơn Bình cho biết: “Thú thực với cậu, xe khách mà chở hàng còn “kiếm” hơn chở khách. Mỗi chuyến kiếm vài triệu đồng. Nỏ mất chi mà không chở”.
Cũng theo khảo sát của PV, giá cước vận chuyển  hàng của những xe khách thường rẻ hơn từ 30 - 50% so với việc vận chuyển bằng xe tải. Đó là chưa kể sự tiện lợi của việc gửi bằng xe khách bởi xe khách thì ngày nào cũng có chuyến, không lo thất lạc, hàng ít hàng nhiều nhà xe đều nhận hết.

Tuy nhiên, để phục vụ việc chở hàng, các nhà xe cũng phải chi một số tiền không nhỏ cho việc sửa sang phương tiện trong mỗi kỳ gia hạn tuyến, khám lưu hành. Lái xe 38H-5515 cho biết: “Xe ni mới đăng kiểm bữa trước (ngày 29/9 - PV). Khi đi đăng kiểm chủ xe phải chi gần 60 triệu đồng để lắp lại ghế, sơn sửa sườn xe… Bữa mô khám xe cũng rứa, xong về tháo ra, chi phí có cao nhưng tính ra chở hàng vẫn có lời”. 

“Lỗ hổng” quản lý

Đem câu chuyện xe khách cải tạo khoang chứa hàng đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An, PV được ông Phan Văn Minh, Phó Giám đốc trung tâm giải thích: “Từ trước tới giờ, chúng ta chưa có quy định liên quan đến việc kiểm tra dung tích khoang hành lý của xe khách. Trong quá trình đăng kiểm, các công đoạn kiểm định mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá độ an toàn của khoang hành lý, độ kín khít của cửa và tính chắc chắn của các giá đỡ… Thậm chí, xe có cải tạo, cơi nới hay chế thêm khoang chứa hàng các trung tâm đăng kiểm cũng chưa kiểm soát được, vì sổ kiểm định phương tiện không có khoản mục ghi kích thước khoang chứa hàng”. 

Cũng theo ông Minh, hiện nay kích thước khoang chứa hàng xe khách cũng khá đa dạng, tùy theo chủng loại xe, ngay trong các lô xe xuất xưởng của cùng một hãng, kích thước cũng khác. Với loại xe đời mới, thể tích khoang chứa hàng có thể lên đến gần 10 m3. Với khoang chứa hàng lớn, các xe khách giường nằm có thể tha hồ nhồi nhét hàng hóa, thu cước vận tải. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Ngọc Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý bến xe Nghệ An thừa nhận: “Hiện nay tình trạng các xe khách chở hàng rất nhiều. Ngay cả doanh nghiệp có thương hiệu như Văn Minh cũng tham gia mạnh mẽ vào việc giao nhận hàng. Đơn vị này lập riêng một phòng giao dịch hàng hóa phía sau bến, có cả xe tải đưa hàng hóa từ xe khách giao tại nhà. Lợi nhuận từ việc vận chuyển hàng hóa có khi chiếm 1/3 doanh thu”.

Ông Thanh cũng cho biết, các quy định hiện hành mới chỉ cấm xe khách để hàng hóa trên khoang hành khách, chưa đề cập đến hàng hóa trong khoang hành lý. Hiện đơn vị quản lý bến mới kiểm tra, ngăn chặn được các loại hàng hóa nguy hiểm dễ nhận biết như: Bình ga, bình oxy, thùng phuy đựng xăng dầu. Còn với các loại hàng hóa đã được đóng gói thì không có thiết bị để kiểm tra và cũng không được phép mở hàng ra kiểm tra.

NTC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét