Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp chống buôn lậu, song tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến từ biên giới đến nội địa. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg yêu cầu về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Bài viết liên quan : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
Có thể nói thuốc lá luôn là mặt hàng buôn lậu “nóng” được các lực lượng chức năng triển khai ngăn chặn, bắt giữ. Mới đây, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tỉnh: Tây Ninh, Long An, TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Khánh Hòa và Quảng Trị. Qua báo cáo của các địa phương, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm cả về số vụ, đối tượng vi phạm và trị giá hàng hoá.
Tuy nhiên ở nhiều thời điểm, tại các địa bàn trọng điểm như An Giang, Tây Ninh, Long An, Quảng Trị và TP. HCM tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động buôn lậu các mặt hàng có thuế suất cao như rượu, thuốc lá điếu, bia các loại.
Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng vẫn là lợi dụng địa hình biên giới có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt thuận lợi cho việc qua lại; thậm chí lôi kéo cư dân biên giới không có việc làm để vận chuyển hàng lậu. Các đầu nậu thường thuê người theo dõi di, biến động của các lực lượng chức năng để kịp thời báo cho đồng bọn tẩu tán hàng hoá khi các lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ.
Đơn cử như tại TP. Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, xã Vĩnh Gia, Lạc Qưới huyện Tri Tôn (thuộc tỉnh An Giang), các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang đường thủy nhằm tránh né sự kiểm tra gắt gao của các lực lượng chức năng.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 địa phương và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hàng ngày lượng thuốc lá nhập lậu qua địa bàn tỉnh An Giang khoảng 260.000 bao. Tuy nhiên tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, số lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ 452.795 bao thuốc lá lậu các loại.
Tương tự, trên tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, tình hình buôn lậu thuốc lá nổi lên ở các địa bàn trọng điểm: xã Thường Phước 1, xã Thường Thới Hậu A, xã Tân Hội Cơ, Bình Phú; Ấp I, xã Thường Thới Hậu B huyện Hồng Ngự; Sông Sở Thượng; tuyến tỉnh lộ 841 từ Thường Phước 1 về thị xã Hồng Ngự. Tại đây, có khoảng hơn 20 chủ đầu nậu và khoảng 50 đối tượng “cửu vạn” thường xuyên tham gia vận chuyển hàng hóa. Hàng ngày có khoảng 35.000 đến 40.000 bao thuốc lá nhập lậu qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Trong buổi làm việc giữa Đoàn Công tác số 4, Ban chỉ đạo 389 quốc gia với UBND tỉnh Quảng Trị, đại diện Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Thanh cho biết, riêng mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, 8 tháng đầu năm 2014, các lực lượng: Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng đã bắt giữ 266.274 bao thuốc lá, tăng 31.132 bao so với cùng kỳ năm 2013; đã bán cho Công ty CP Dầu khí năng lượng Cần Thơ để tái xuất theo chỉ thị của Bộ Công Thương 261.139 bao thuốc lá ngoại các loại.
Điển hình, ngày 14-9-2014, tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo thực hiện kiểm tra xe ô tô tải mang biển BKS: 74C-006.07 do ông Hoàng Ngọc Tý, sinh năm1974 (trú tại Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị) điều khiển. Kết quả kiểm tra, lực lượng Hải quan phát hiện, thu giữ 1.500 bao thuốc lá ngoại hiệu 555 cất giấu trong vách thùng xe và để lẫn cùng một số hàng hóa khác.
Bước đầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo xác định chủ nhân của 1.500 bao thuốc lá là ông Hoàng Văn Tý (560 bao); ông Trần Quốc Phương (550 bao) và bà Trần Thị Hiền (390 bao) đều trú tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Căn cứ quy định hiện hành, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 đối tượng nói trên, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Hiền, phạt tiền 13 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm.
Sau khi nhận được hồ sơ từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, Cục Hải quan Quảng Trị đã có quyết định xử phạt đối với Hoàng Văn Tý và Trần Quốc Phương, phạt tiền là 47 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.
Bên cạnh vấn nạn thuốc lá lậu các tuyến biên giới, tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vẫn được bày bán công khai tại các tiệm tạp hóa, các quán bar, vũ trường, căn-tin, nhà hàng, khách sạn...
Nguồn cung chủ yếu được nhập lậu qua An Giang, Long An, Tây Ninh và một phần từ Quảng Trị. Ban chỉ đạo 389 TP.HCM và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam dự báo, hàng ngày lượng thuốc lá nhập lậu vào TP. HCM khoảng 1 triệu bao. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng trên địa bàn mới chỉ bắt giữ được 609.102 bao thuốc lá các loại.
Qua buổi làm việc với Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Tổng công ty Khánh Việt báo cáo, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh nổi với thuốc lá nhập lậu (giá rẻ do trốn thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế GTGT 10%). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, sản xuất thuốc lá của 2 Tổng công ty giảm hơn 20%.
Các công ty trên đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia sớm có các giải pháp chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung phòng, chống thuốc lá điếu nhập lậu, đặc biệt tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các điểm bán thuốc lá trong nội địa để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 8 tháng từ đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành 7.935 lượt kiểm tra, xử lý 4.712 vụ vi phạm; tịch thu 1,2 triệu bao thuốc lá các loại, gần 20 tấn thuốc lá, thu giữ 8 xe ô tô, 432 chiếc xe máy, 7 thuyền, xuống máy các loại và chuyển cơ quan Công an khởi tố 21 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng.
NTC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét