Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Cảng trung chuyển cho vùng kinh tế ĐBSCL

Theo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (TCHP) đã hoàn tất gần 80% tiến độ xây dựng, dự kiến đón chuyến tàu đầu tiên vào tháng 11-2014. Đây sẽ là cảng trung chuyển hàng hóa XNK cho vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bài viết liên quan : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
Cảng trung chuyển cho vùng kinh tế ĐBSCL
Sơ đồ mặt bằng cảng Tân cảng- Hiệp Phước. (Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn)


Cảng trung chuyển 

Dự án TCHP với qui mô chiều dài cầu cảng 420m, tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT, 4 bến trung chuyển tàu, sà lan có trọng tải 2.000 DWT; gần 150.000 m² bãi chứa hàng và đường giao thông nội bộ; 8.580 m² kho chứa hàng; hơn 6.000 m² các công trình phụ trợ.

Với vị trí chiến lược nằm ở giao điểm giữa vùng phía Nam của TP.HCM và biển Đông, kết nối với đường vành đai mới và hàng loạt khu công nghiệp, TCHP sẽ là nơi tập trung hàng hóa khu vực ĐBSCL và các khu công nghiệp ở phía Nam của TP.HCM. Lợi thế của TCHP là do nằm gần cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông, có vị trí thuận lợi để phát triển thành cảng trung chuyển trong tương lai (gần biển, mớn nước sâu -12m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn), phù hợp với xu thế phát triển cảng biển và phương thức vận tải biển hiện đại trên thế giới.

Cảng TCHP là cảng nối dài của cảng Cát Lái và nằm trong chuỗi dịch vụ logistics của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, cảng TCHP là điểm thông quan hàng hóa cho khu vực phía Nam, phía Tây của TP.HCM và các vùng ĐBSCL...

Cảng TCHP sẽ góp phần giảm tải lượng hàng hóa của Tân Cảng – Cát Lái, đồng thời giúp giảm thiểu được thời gian vận chuyển hàng hóa cho các hãng tàu, cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa. Các hãng tàu có thể tiết kiệm thời gian bằng việc dừng và dỡ hàng ngay tại TCHP thông qua cửa sông Soài Rạp.

Cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước và là một trong những thương cảng quan trọng trong khu vực. Luồng Soài Rạp có thể đảm bảo 2 tàu đi lại cùng lúc. Dự án cũng triển khai lắp đặt hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống phao tiêu đảm bảo dẫn đường cho tàu vận chuyển hàng có trọng tải từ 30.000-50.000 tấn chạy, cả ngày lẫn đêm.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Tàu thông qua luồng Soài Rạp đến cảng TCHP sẽ rút ngắn khoảng gần 30 km và tiết kiệm 2 giờ so với việc đi qua luồng Lòng Tàu hiện nay. NHư vậy, khách hàng và các hãng tàu có thể giảm được một nửa chi phí hoa tiêu, nhiên liệu so với hành trình theo luồng Lòng Tàu hiện nay.

Theo tính toán của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, một tàu 50.000 tấn lưu thông tuyến Soài Rạp mới có thể tiết kiệm được hơn 500.000 USD/năm so với trước kia. Ngoài ra, luồng Soài Rạp không hạn chế lưu thông vào ban đêm như luồng Lòng Tàu, nên chủ tàu có thể giải phóng hàng nhanh hơn, góp phần tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam

Về lợi thế giao thông, đường bộ, cảng TCHP nằm trong KCN Hiệp Phước có hệ thống giao thông nội khu kết nối trực tiếp vào trục đường xuyên tâm Bắc - Nam TP.HCM. Từ KCN Hiệp Phước có thể dễ dàng tiếp cận đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua các tuyến đường vành đai số 3 và số 4 của TP.HCM cũng như hệ thống đường cao tốc liên vùng phía Nam.

Từ TCHP có thể kết nối đến các tuyến nội địa đường thủy một cách thuận lợi do Sông Soài Rạp bao bọc toàn bộ phía Đông và Nam của KCN Hiệp Phước, hệ thống sông Soài Rạp là luồng tàu biển rộng nhất và ngắn nhất từ biển Đông vào hệ thống cảng TP.HCM. Luồng tàu này đang được nạo vét sâu đến -12m để các tàu có trọng tải đến 50.000 DWT có thể ra vào dễ dàng vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển quốc tế trong KCN Hiệp Phước, Long Hậu  đi các nước trong khu vực.

Về thủ tục xuất, nhập hàng tại cảng cũng được thực hiện một cách hiện đại. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ sử dụng hệ thống quản lý và điều hành TOP X của RBS –Úc (Hiện đang áp dụng hiệu quả tại Tân cảng Cát Lái). Hệ thống này cho phép quản lý container theo thời gian thực, tối ưu hóa năng lực khai thác cảng, giảm thời gian giao nhận hàng, tạo nhiều tiện ích cho khách hàng. Hệ thống TOP X có thể giao tiếp đồng bộ với các cơ sở của cảng, hãng tàu, đại lý và cơ quan Hải quan.

NTC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét