Do dịch cúm A H5N6 có chiều hướng xấu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) ngày 4-9 đã có công điện khẩn gửi các tỉnh biên giới yêu cầu không cho phép buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, kể cả quà biếu tặng của cư dân biên giới.
Hiện nay, dịch cúm A/H5N6 đã được phát hiện trên gia cầm ở nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Đức, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc đã có người tử vong vì virus này.
Tại Việt Nam, virus cúm A H5N6 đã được phát hiện tại một số tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Theo Cục Thú Y, Bộ NNPTNT, đến nay tổng số gà, vịt, chim trĩ mắc bệnh cúm A H5N6 và chết là 2.013 con, tổng số gia cầm bị tiêu huỷ là gần 5.200 con tại 6 hộ nuôi. Kết quả xét nghiệm, giải trình tự gen các mẫu virus cúm A/H5N6 đã phát hiện tại Việt Nam cho thấy chúng có tỷ lệ tương đồng trên 99% so với chủng virus cúm A H5N6 gây tử vong trên người tại Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ nhập lậu hàng chục nghìn gia cầm và trứng gia cầm qua biên giới (chủ yếu là gia cầm giống và trứng gia cầm giống). Kết quả xác minh một số ổ dịch cúm A/H5N6 vừa qua cho thấy, dịch có liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa gia cầm giống không rõ nguồn gốc, chưa kiểm dịch thú y.
Như vậy, theo Cục Thú y, nguy cơ các chủng virus mới tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là phía Bắc rất cao.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã gửi công điện khẩn số 7115/CĐ-BNN-TY tới các đơn vị có liên quan, đặc biệt là các tỉnh biên giới về việc cấm vận chuyển hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch động vật, lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus cúm A/H5N6 và các chủng virus khác đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Tới nay, vẫn chưa có vaccine phòng cúm H5N6 nhưng theo ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú Y, vaccine cúm gia cầm H5N1 chủng Re-5 và vaccine cúm gia cầm Navet do Công ty Thuốc thú y Trung ương (Navetco) sản xuất có tác động bảo hộ tốt với virus cúm A/H5N6. Do đó, nếu dịch bệnh xảy ra thì Việt Nam có thể chủ động nguồn vaccine để chống dịch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét