Người tiêu dùng kiệt sức vì thực phẩm mỗi ngày một giá
Theo dự báo của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), việc giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng như điện, gas, xăng dầu, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh... sẽ tác động đến chỉ số giá của các mặt hàng thiết yếu. Nhóm giao thông, nhà ở vật liệu xây dựng và một số thực phẩm ăn uống chắc chắn sẽ không thể tiếp tục "cố thủ" giá như thời điểm trước. Người tiêu dùng đã tỏ ra quá mệt mỏi khi phải liên tục đương đầu với những vòng xoáy tăng giá đang đổ xuống đầu.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì giá thực phẩm tăng giá.
Tại một số chợ đầu mối TP. HCM, giá cả thực phẩm cũng đang tăng lên một cách chóng mặt. Một tiểu thương tại đây phân trần: "Dù phải giữ khách, không muốn tăng giá bán, nhưng giá xăng tăng, chi phí vận chuyển đang nhích lên khiến giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Nếu trước kia chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi mua đến địa điểm buôn bán thường chỉ vài chục nghìn nay cũng đội lên theo xăng. Đây là khoản tiền tăng thêm do vận chuyển hàng hóa nên buộc tôi phải "chia ra", tính thêm vào giá thực phẩm bán để tránh lỗ".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Lâm, trưởng ban Quản lý chợ quận Đống Đa nhận định, thông thường sau khi tăng giá xăng khoảng hai tuần trở lên, sự biến động giá các mặt hàng ở chợ đầu mối mới thể hiện rõ nét. Song lần này thì giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hầu hết đều đã tăng ngay, khiến cho hoạt động tại các chợ kém sôi động.
Chị Nguyễn Thị Ánh Bích, nhân viên Ngân hàng Quốc tế (VIB) hiện đang sống tại khu vực Cầu Giấy than thở: Giá điện, giá xăng tăng, giá gas cũng chuẩn bị lên 51.000 đồng/bình, cước taxi cũng nhấp nhổm đuổi theo... khiến cuộc sống của chúng tôi đã khốn càng thêm khó. Từ mớ rau, lạng thịt thứ gì cũng tăng. Hôm vừa rồi, tôi mua hai cây bắp cải, một mớ rau muống tại cửa hàng rau sạch, thanh toán mất gần 50 nghìn đồng. Trước chỉ đi chợ 100 nghìn đồng đủ cho 1 ngày, giờ từng đấy không đủ. Đi chợ mà chẳng khác gì bị... ăn cướp".
Trái ngược với diễn biến lên xuống bất thường ở các chợ đầu mối, tại các siêu thị, giá lương thực thực phẩm vẫn ở mức ổn định. Theo lý giải của một số siêu thị, việc lên xuống theo giá xăng, sức mua, nguồn cung, thời tiết không thể "nhạy" như đối với các chợ. Việc cung ứng hàng vào siêu thị phải theo kế hoạch, hợp đồng, kiểm duyệt chất lượng nên không có chuyện "nhảy" giá thất thường. Sự ổn định là để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, với lần điều chỉnh giá xăng này, tính từ đầu năm tới nay, mặt hàng xăng đã có 6 lần tăng và 5 lần giảm. Tổng cộng 11 lần điều chỉnh giá bán lẻ, giá mặt hàng xăng đã tăng 6.050 đồng và chỉ giảm 3.200 đồng/lít. Một số siêu thị đã chủ động gửi thư cho các nhà cung cấp đề nghị không tăng giá do sức mua đang rất yếu. Bởi, hơn ai hết, các siêu thị hiểu rằng trong thời điểm này, tăng giá đồng nghĩa với... "tự sát". Để "răn đe", trong thư gửi các nhà cung cấp, một số nhà phân phối còn khẳng định nếu nhà cung cấp nào yêu cầu tăng giá sẽ nỗ lực tìm các nhà cung cấp mới thay thế.
Lợi ích nhóm thao túng giá?
Theo nhận định của các chuyên gia, trước sự biến động của giá cả, một số mặt hàng vẫn còn độc quyền, chưa minh bạch. Và đây là hậu quả của cách điều hành kiểu "giật cục". Không loại trừ khả năng lợi ích nhóm đang chi phối trong việc điều hành giá cả hàng hóa, bất chấp khó khăn cho người dân, nhà sản xuất. "Cơn bão giá" mới sẽ càng làm cho an sinh xã hội bị ảnh hưởng, đồng lương teo tóp của người dân vẫn phải chịu gánh nặng.
Lý giải cho hoài nghi này, ông Vũ Vĩnh Phú phân tích, hiện nay nhiều người nói nhóm lợi ích thao túng giá là có. Gas, điện, nước, xăng dầu... một năm thậm chí tăng đến vài lần chẳng có lý do gì. Giá cả hàng hóa cứ như một người bị say rượu lầm lũi đi bất chấp chướng ngại vật ngăn cản. "Theo tôi, hiệu năng quản lý của Nhà nước rất yếu. Như câu chuyện điều hành thị trường đường cách đây vài năm. Đích thân Bộ Công Thương - cơ quan quản lý đã yêu cầu nhà máy đưa thẳng đường đến siêu thị để giảm thiểu quá trình trung gian. Tuy nhiên, nhà máy vẫn cố làm ngơ. Một vấn đề cần giải quyết là hệ thống phân phối. Người sản xuất thất bại, lợi nhuận không hợp lý mà người tiêu dùng phải qua rất nhiều cầu”.
Theo TS.Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, để chặt đứt lợi ích nhóm, đòi hỏi nền kinh tế phải minh bạch, có những biện pháp tinh tế để kiểm soát giá. Hiện nay, có một điều bất cập đó là các nước đã có luật kiểm soát giá sao chúng ta vẫn chưa có. Chúng ta chỉ có luật giá nhưng chưa cụ thể. Việc tăng giá phải có bài bản chiến lược, phải quy hoạch trước. Hơn nữa, doanh nghiệp phải tiên lượng trước để có chiến lược kinh doanh cho hợp lý.
TS. Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TW cho rằng: "Hiện có nhiều cơ quan như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý cạnh tranh hay Vụ Thị trường trong nước... nằm trong các bộ có vai trò thấp và mỗi đơn vị quản lý một khúc. Các đơn vị này vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước, vừa là người giám sát thị trường, lại vừa là nhà làm chính sách cho thị trường. Đây là điều bất ổn và thiếu minh bạch. Tôi cho rằng nên tập hợp các cơ quan có chức năng quản lý thị trường lại với nhau".
Sẽ mở chiến dịch điều tra lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu
Trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận đang có một lỗ hổng lớn trong chính sách mà nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng trong một thời gian dài. Do đó, để minh bạch, Bộ Tài chính cho biết sẽ công bố toàn bộ thông tin liên quan đến các lô hàng nhập của doanh nghiệp, các món lợi từ chênh lệch thuế và truy thu nếu có sai phạm. Bộ Tài chính sẽ mở một chiến dịch "đanh thép" với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, công khai toàn bộ số lô hàng nhập, nơi nhập, thời điểm, số hàng đã tái xuất và số chuyển sang tiêu thụ nội địa. Với các thông tin này, sẽ rất dễ dàng để tính ra từ đầu năm tới nay các doanh nghiệp đầu mối đã được hưởng lợi bao nhiêu từ việc lợi dụng chính sách và con số lỗ thực của họ là bao nhiêu?
Cần thiết lập cơ quan giám sát thị trường
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, ở Nhật Bản hay hầu hết các nước đều có ủy ban giám sát thị trường hoặc ủy ban kiểm soát độc quyền. Cơ chế trên sẽ giúp các bộ tránh được một lúc đảm nhiệm chức năng "3 trong 1". Hiện nay, có rất nhiều yếu tố mới tạo nên thị trường. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là tạo nên một thị trường thật sự và giám sát để nó vận hành đúng. Chứ chỉ quản lý giá thôi thì mãi chúng ta cứ phải chạy theo đuôi thị trường. "Nếu tách được các cơ quan giám sát thị trường ra khỏi các bộ thì sẽ có giám sát chéo giữa các cơ quan Nhà nước với nhau. Cần thiết phải lập cơ quan giám sát độc lập để giám sát thị trường", ông Cung kiến nghị.
Văn Anh - Phạm Hạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét