Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Lãng phí đường thủy ở Tây Ninh

Theo Sở GTVT Tây Ninh, hiện tại ngành vận tải đường thủy chỉ đảm nhận vận chuyển lượng hàng hóa khoảng 3%, chưa tương xứng với lợi thế của tỉnh. .

Theo Sở GTVT Tây Ninh, hiện tại ngành vận tải đường thủy chỉ đảm nhận vận chuyển hàng hóa khoảng 3%, chưa tương xứng với lợi thế của tỉnh. .

Trong khi đó, toàn hệ thống đường thủy tỉnh Tây Ninh dài khoảng 617 km. Trong đó, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông… chạy song song dọc từ Bắc xuống Nam hơn 2/3 chiều dài địa lý tự nhiên của tỉnh, vô cùng thuận lợi cho vận tải hàng hoá, hành khách liên tỉnh.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Sông Vàm Cỏ Đông được xem là tuyến vận tải thủy chính của tỉnh. Con sông bắt nguồn từ biên giới Campuchia, qua địa phận Tây Ninh với chiều dài 151km đến Cần Đước (Long An), hợp với sông Vàm Cỏ rồi đổ ra biển. Do đó, các huyện có sông đi qua gồm Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng, TX. Tây Ninh và các vùng kinh tế cửa khẩu như Mộc Bài, KCN như Bourbon- An Hòa… đều có thể tận dụng, khai thác lợi thế trong vận chuyển hàng hóa, giao thương. Ngoài ra, sông Sài Gòn cũng có ảnh hưởng lớn trong việc vận tải hàng hóa giữa Tây Ninh với một số tỉnh miền Đông Nam bộ, TP.HCM...

Từ hệ thống các sông này, giao thông đường thủy đã nối Tây Ninh với các cụm cảng sông, biển quan trọng; cụm kinh tế, KCN lớn thuộc miền Đông, miền Tây và TP. HCM. Hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển theo đường thủy dễ dàng, giá thành vận chuyển rẻ hơn... “Tuy nhiên, hiện nay việc vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh về TP.HCM chủ yếu bằng container. Chi phí về nhiên liệu, khấu hao xe, nhân công, phí cầu đường… cao gấp 3 lần so với đường thủy. Đó là chưa kể đến việc vận tải hàng hóa bằng container còn phải phụ thuộc vào thời gian quy định được phép lưu thông ở một số khu vực, nguy cơ tai nạn cao…”, Giám đốc một Công ty TNHH vận tải có trụ sở đóng tại TP.HCM phân tích.

Còn theo một lãnh đạo Sở GTVT Tây Ninh: “Việc vận tải hàng hóa bằng đường thủy có thể chở được những loại hàng “siêu trường, siêu trọng”, thuận lợi và an toàn hơn đường bộ. Việc phát triển vận tải đường sông còn góp phần làm giảm áp lực giao thông đường bộ, vốn đang gặp nhiều vấn đề khó khăn như hạ tầng đường sá nhanh xuống cấp, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…”

Chờ quy hoạch lại

Dù có lợi thế lớn nhưng hiện nay, ngành vận tải đường sông Tây Ninh chỉ đảm nhận vận chuyển một lượng hàng rất nhỏ, chiếm chỉ khoảng 3% so với ngành vận tải chung toàn tỉnh. Hầu hết phương tiện vận tải đường sông trong tỉnh hiện nay có tải trọng nhỏ, số lượng ít. Sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ cầu Bến Sỏi xuống hạ lưu đi qua các tỉnh miền Tây có chiều rộng, độ sâu tương đối lớn, xà lan có tải trọng đến 2.000 tấn được lưu thông. Riêng sông Sài Gòn thì hạn chế về tải trọng hơn, chỉ có thể vận tải bằng xà lan tải trọng tối đa 500 tấn do bị hạn chế bởi một số cây cầu có tĩnh không thấp, khu vực đầu nguồn nông.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Tây Ninh có 21 cảng đường thủy nội địa (bao gồm cảng tổng hợp, cảng xăng dầu và cảng vật liệu xây dựng) trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Về quy mô, đến năm 2020, nếu phát triển hết khả năng, các cảng Tây Ninh đạt mức trung bình. Cảng thấp nhất khai thác hàng tổng hợp là cảng An Hòa, có công suất trên 600.000 tấn hàng/năm; cảng có công suất thiết kế cao nhất là Bến Kéo, có thể khai thác đạt 3,5 triệu tấn hàng/năm…

Theo một lãnh đạo Sở GTVT Tây Ninh, để quy hoạch trở thành hiện thực, UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn trong việc phát triển hệ thống cảng sông, phát triển công nghệ đóng - sửa chữa phương tiện đường thủy. Cần giải quyết triệt để tình trạng lục bình “lấp” sông, gây tắc nghẽn giao thông trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên ban đầu cho một số cảng để chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy, tăng dần tỷ lệ lượng hàng hóa lưu thông bằng đường thủy từ 3% đến khoảng 20% tổng hàng hoá lưu thông trong tỉnh, góp phần giữ trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Công Sinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét