Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Hoạt động thương mại tại cảng biển Mỹ Latinh, Caribbean sụt giảm

Theo một báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean (ECLAC) công bố ngày 25/6, tình trạng suy giảm lượng hàng hóa được vận chuyển qua các cảng biển ở khu vực này phản ánh sự trì trệ trong các hoạt động ngoại thương tại khu vực hồi cuối năm ngoái.

Báo cáo cho biết mức tăng trưởng thấp của khu vực Mỹ Latinh, chỉ đạt 1,7% trong năm 2013, được khẳng định thông qua sự suy giảm hoạt động vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển ở một số nước trong khu vực.

Theo ECLAC, sự suy giảm này so với những năm trước đó chủ yếu diễn ra tại các cảng biển của năm quốc gia nằm trong lòng chảo Caribbean là Colombia giảm 69%, Jamaica và Venezuela cùng giảm 8,2%, Panama giảm 4,1% và Cộng hòa Dominicana giảm 21,7%.

Ngược lại, năm nước Nam Mỹ và một nước Trung Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng về vận chuyển  hàng hóa tại các cảng biển bất chấp việc hoạt động vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu bị đình đốn. Đó là Argentina (tăng 9,8% so với năm 2012), Brazil (6,2%), Uruguay (9,7%), Chile (6%), Ecuador (3,9%) và Costa Rica (37,5%) .
Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại cảng Freeport của Bahamas. (Nguồn: bahamsship.com)

Cũng theo báo báo trên, cảng Freeport của Bahamas và cảng La Habana của Cuba là hai cảng container duy nhất có sự tăng trưởng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Cảng biển có sự tăng trưởng mạnh nhất về hoạt động này ở Mỹ Latinh trong năm 2013 là Caldera của Costa Rica với mức tăng trưởng 246%, tiếp theo là cảng Coronel của Chile (135%) và Itapoa của Brazil (72,1%).

Trong khi đó, mức suy giảm nghiêm trọng nhất là tại cảng Puerto Plata và Santo Domingo của Cộng hòa Dominica (với mức giảm tương ứng là 83,2% và 58,5%), và Sao Francisco do Sul của Brazil (giảm 37,2%).

Nghiên cứu trên dựa trên dữ liệu do các giới chức quốc gia và địa phương trực tiếp cung cấp./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét