Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Quản chặt đường, xe quá tải hết "cửa" sống

Trả lời PV Báo Giao thông liên quan đến những bất cập tại một số trạm cân, nhất là về ban đêm để xe quá tải ngang nhiên vượt trạm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT là phải chỉ đạo chấn chỉnh ngay, đồng thời siết chặt kiểm soát tại các trạm cân xe 24/24h theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng ý làm mái che tại các trạm cân

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình ThọThưa Thứ trưởng, Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt siết chặt cân xe trên địa bàn cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải cân xe 24/24h. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trạm cân vẫn lơ là, bố trí lực lượng mỏng, nhất là về ban đêm, để xe quá tải vượt trạm. Thứ trưởng đánh giá thế nào về điều này?

Đúng là thời gian qua, tại một số trạm cân vẫn còn tình trạng xe quá tải vượt trạm, đặc biệt là về ban đêm. Lực lượng chức năng tại đây còn mỏng, chưa thực hiện nghiêm. Báo Giao thông cũng phản ánh thực trạng này tại nhiều trạm cân trên địa bàn cả nước như ở: TT- Huế, QL5, QL70, QL6, QL1…. Quan điểm của Bộ GTVT phải chấn chỉnh ngay những bất cập này để siết chặt kiểm soát tại các trạm cân xe. Mới đây, Chính phủ đã có Công điện yêu cầu việc này. Bộ GTVT cũng thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tại 3 vùng miền để chấn chỉnh kiểm tra xe quá tải.

Ngoài ra, tôi vừa ký văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN cùng với Công ty Hanel bố trí trực 24/24h nhằm xử lý ngay các trục trặc liên quan đến cân xe. Đồng thời, để khắc phục những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cân như: Độ bằng phẳng nơi đặt cân, trời ẩm ướt, mưa,… tới đây, Bộ GTVT sẽ đồng ý cho thực hiện phương án làm nhà che, hoặc bạt để các địa phương thực hiện cân xe hiệu quả hơn.

Kiến nghị đặt trạm cân ở nhiều cấp đường

Về ban đêm, các trạm cân còn bộc lộ nhiều bất cập khiến dư luận hết sức bức xúc như: Cò xe, xã hội đen bủa vây, san tải “lách” trạm, chờ mưa xuống hò nhau vượt trạm, lái xe tụ tập quậy phá trạm…, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng có giải pháp gì để xử lý dứt điểm tình trạng này, thưa Thứ trưởng?

Tình trạng cò mồi, xã hội đen bủa vây các trạm cân như báo chí nêu thời gian qua là có. Mỗi xe vượt trạm bằng đường địa phương họ lấy 50.000 - 100.000đồng. Điều này gây nhức nhối trong dư luận và giảm hiệu quả, ý nghĩa của việc cân xe.

"Bộ GTVT sẽ tiến hành sắp xếp lại luồng tuyến để kết nối các phương thức vận tải “chia lửa” cho đường bộ. Đây cũng là chiến lược lâu dài và xuyên suốt của ngành GTVT. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng để tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến cân xe. Đây chính là khâu quyết định đến thành bại của công tác này”.

Để loại bỏ triệt để tình trạng này, tới đây, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sẽ đặt trạm cân ở nhiều cấp đường khác nhau. Có 6 cấp đường, nhưng lâu nay chúng ta mới thực hiện cân xe ở quốc lộ, đường cao tốc, còn đường tỉnh, huyện, giao thông nông thôn thuộc cấp chính quyền địa phương quản lý vẫn chưa cân. Cần phải quản tất cả các loại đường thì cò xe, xã hội đen và xe quá tải mới không còn “cửa” lách trạm, vượt trạm.
Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ trang bị cho các địa phương những bộ cân xách tay để chặn ở nhiều ngả đường khác nhau, có thể từ chính những mỏ vật liệu, nhà máy… nhằm kiểm soát tải trọng xe từ gốc. Tới đây, các tuyến BOT đang xây dựng, Bộ GTVT đã yêu cầu xây dựng các trạm cân cố định để kiểm soát. Các cảng biển, nhà ga, bến tàu cũng được yêu cầu nghiêm túc chấp hành các quy định về xếp dỡ hàng hóa đúng tải trọng phương tiện. Chủ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm của Bộ phải gương mẫu chấp hành không sử dụng xe cơi nới thùng, chở quá tải trọng, quá khổ chuyên chở vật liệu.

Một giải pháp mang tính lâu dài và bền vững đó là Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ban hành quyết định phê duyệt chương trình hành động về kết nối hài hòa các phương thức vận tải sắt, sông, thủy, hàng không để “chia lửa” với đường bộ vốn đã quá tải và mất ATGT.

Vừa qua, tại một số địa phương đã bắt giữ nhiều đối tượng cò mồi ở các trạm cân, quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này? Bộ có sự phối hợp thế nào với các bộ ngành chức năng để ngăn chặn tình trạng này?

Cò mồi ở các trạm cân phát triển chỉ mang tính bột phát, mà nguyên nhân xuất phát từ việc những đối tượng này không có công ăn việc làm. Ngăn chặn cò mồi triệt để là vấn đề khá nan giải. Những đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm ở mức độ nào, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm theo mức độ đó để răn đe. Cùng với đó, các đơn vị thực hiện việc đặt trạm cân cũng không nên co cụm lại một chỗ mà phải dự báo được lưu lượng xe để điều tiết giao thông, không để ùn tắc sinh ra cò mồi. Bằng kinh nghiệm, mắt thường của lực lượng kiểm tra cũng có thể dự báo được xe nào quá tải đưa vào cân, chứ không để dừng lại nhiều gây ùn tắc.

Tới đây, Bộ GTVT tiếp tục duy trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về thực hiện quy chế phối hợp tuần tra kiểm soát tải trọng xe, duy trì lực lượng 24/24h tại các trạm cân. Bên cạnh đó lực lượng này vẫn duy trì công tác tuần tra lưu động nhằm phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Cán bộ làm nhiệm vụ cân xe đêm tại Trạm cân Ba Hàng (Hải Dương) - một điểm nóng của tình trạng xe quá tải lách trạm
Xã hội, nhân dân đồng tình là cái được lớn nhất

Bộ GTVT đã ra hạn chót vào cuối tháng 5/2014 tất cả các địa phương phải đồng loạt cân xe đêm. Đến nay, còn bao nhiêu tỉnh, thành chưa triển khai, thưa Thứ trưởng. Sau thời hạn này, nếu địa phương không thực hiện, Bộ GTVT sẽ đề xuất giải pháp xử lý gì?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các trạm cân phải hoạt động 24/24h và 7 ngày trong tuần. Hiện nay, hầu hết các địa phương thực hiện nghiêm điều này. Vấn đề để duy trì 24/24h, cân cả ngày lẫn đêm vẫn còn một số địa phương chưa làm tốt. Hiện có khoảng 15, 16 trạm chưa thực hiện cân đêm. Theo thống kê báo về đường dây nóng của Bộ GTVT, mỗi tối có khoảng 50 trạm cân hoạt động.

Tại Công điện của Thủ tướng đã đề cập rõ, địa phương nào không triển khai 24/24h đều bị xử lý nghiêm. Để tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương, tôi đã giao Tổng cục Đường bộ VN xem địa phương nào thiếu lực lượng thanh tra thì tăng cường thêm. Việc bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động, chế độ chính sách cho anh em tham gia cân xe cũng rất cần thiết. Bản thân Bộ GTVT có Công điện gửi các Sở GTVT và TTGT, nếu lực lượng CSGT do công việc không tham gia được thì lực lượng TTGT vẫn phải duy trì lực lượng để bảo đảm kiểm soát tải trọng xe liên tục.

Dư luận rất đồng tình và mong mỏi ngành GTVT tiếp tục làm quyết liệt, triệt để cân xe để tạo sự công bằng và lập lại trật tự vận tải. Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả đạt được sau gần 2 tháng triển khai siết chặt cân xe trên địa bàn cả nước và kế hoạch sắp tới thế nào?

Xã hội, nhân dân đồng tình, đặc biệt là đội ngũ lái xe, chủ xe và cả chủ hàng đã bắt đầu thay đổi nhận thức về việc chở quá tải, minh chứng là số lượng xe kiểm soát và xe vi phạm đã có chiều hướng giảm dần. Đó chính là thành công lớn nhất mà chủ trương siết chặt cân xe đã đạt được. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít đang nghe ngóng, cố tình “né”, “lách” hay đối phó để van chuyen  quá tải. Do vậy, tất cả các trạm cân phải thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, triển khai cân xe thường xuyên, liên tục, kể cả ban đêm.

Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục rà soát để kịp thời chấn chỉnh và xử lý dứt điểm các vướng mắc và bất cập tại các trạm cân, đảm bảo các trạm hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Các đầu mối hàng, mỏ vật liệu, nhà máy  có lượng hàng hóa phải vận chuyển lớn được yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về xếp dỡ, không được chở quá tải.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đức Thắng - Khánh Hà (Thực hiện)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét