Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, du lịch, xe chở container sẽ bị đình chỉ khai thác, bị tước phù hiệu trong vòng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng theo từng lỗi vi phạm. Có tới khoảng 30 lỗi vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động.
Cụ thể: Các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến cố định và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến từ 1-3 tháng khi: thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt trong 1 tháng; Không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch các thông tin bắt buộc theo quy định từ hộp đen; Trong 12 tháng khai thác tuyến liên tục, số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu có thời hạn 1 tháng từ 30% trở lên; khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của toàn bộ các xe thực hiện khai thác trên tuyến trong vòng 3 tháng liên tục cho thấy có từ 5% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái vi phạm hành trình hoặc có từ 20% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc vi phạm đón khách, trả khách không đúng nơi quy định...
Thông tư nêu trên cũng quy định thu hồi phù hiệu, biển hiệu 6 tháng đối với xe sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu và các quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt đã được nêu rõ trong Thông tư.
Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 6 tháng đối với xe sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định. (Ảnh minh họa)
Trường hợp không có hợp đồng vận chuyển, hợp đồng lữ hành, chương trình du lịch và danh sách hành khách theo quy định nhưng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách vẫn thực hiện giao dịch; bán vé hoặc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức hoặc đón thêm hành khách ngoài danh sách sẽ bị xem xét thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng.
Thông tư cũng quy định thu hồi phù hiệu, biển hiệu trong 1 tháng đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa bằng công -ten-nơ vi phạm về khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến vận chuyển (trừ trường hợp cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho xe); xe taxi không có hộp đèn trên nóc xe theo quy định hoặc có gian lận trong việc tính tiền trên đồng hồ tính tiền; xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, xe taxi, xe buýt khi không niêm yết công khai chất lượng dịch vụ hoặc không thực hiện từ 3 nội dung trở lên trong cam kết chất lượng dịch vụ; xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận chuyển hàng hóa bằng công -ten-nơ không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe cho cơ quan có thẩm quyền.
Các xe chở khách du lịch, xe hợp đồng, chở hàng hóa bằng container khi trích xuất dữ liệu từ hộp đen cho thấy trong 1 tháng có từ 20% số chuyến xe vi phạm quy định về tốc độ trở lên hoặc có từ 10% số chuyến xe có lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe trở lên cũng bị xem xét thu hồi biển hiệu, phù hiệu 1 tháng.
Đối với đơn vị khai thác bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ, Thông tư cũng quy định rõ nếu các đơn vị này bị nhắc nhở bằng văn bản và phải khắc phục trong thời hạn tối đa là 3 tháng khi vi phạm quy định nhưng không khắc phục đúng thời hạn thì bị cơ quan có thẩm quyền công bố lại loại bến xe khách, trạm dừng nghỉ thấp hơn tối thiểu là 1 bậc, đồng thời không được phép mở tuyến vận tải hành khách cố định mới có điểm đầu hoặc điểm cuối tuyến tại bến xe đó trong thời hạn 12 tháng.
Ngoài ra, Thông tư 55/2013/TT-BGTVT cũng quy định rõ xử lý vi phạm đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, cán bộ, nhân viên của bến xe khách; xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước và thẩm quyền xử lý các vi phạm...
Đối với người xếp hàng hóa lên xe ô tô bị nhắc nhở bằng văn bản và phải khắc phục trong thời hạn tối đa là 3 tháng khi vi phạm quy định, nhưng nếu không khắc phục đúng thời hạn thì bị kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, đồng thời bị kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành, nghề liên quan tới hoạt động xếp hàng hóa trong thời hạn từ 6-12 tháng để khắc phục vi phạm.
Thông tư 55/2013/TT-BGTVT cũng quy định rõ trách nhiệm phải thực thi của hai cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ là Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT. Cá nhân Tổng cục trưởng, Giám đốc Sở GTVT phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Thông tư 55/2013/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2014. Thông tư này cũng bãi bỏ Quyết định số 3633/QĐ-BGTVT ngày 2/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ngô Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét