Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Năm 2014: Siết chặt vận tải hàng hóa đường bộ

Với sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải đường bộ đã góp phần thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa được dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc buông lỏng quản lý trong thời gian dài đã gây ra những hệ lụy không nhỏ, đòi hỏi cơ quan quản lý cần siết chặt loại hình kinh doanh vận tải này.
 Còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 10 năm trở lại đây, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần, hiện có khoảng 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp (DN), 586 hợp tác xã và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, quản lý yếu kém, chất lượng phương tiện không đồng bộ cũng như nhiều yếu tố khác nữa khiến dịch vụ vận tải thấp. Có tới 60% các đơn vị vận tải khách tuyến cố định và gần 83% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/mỗi đơn vị.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - cho biết: Trong nhiều năm qua, lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa đã có những thành tựu đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động vận tải còn bộc lộ nhiều bất cập, cần xem xét xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, quy định luật pháp chưa phù hợp, các phương tiện vận tải nhiều nhưng không đồng bộ, quá cũ và chưa có những quy chuẩn hóa về bao bì. Cùng với sự cạnh tranh không lành mạnh của một số DN , rồi tiêu cực phát sinh trong quá trình vận tải đã làm chi phí tăng lên.

Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT):
Siết chặt kinh doanh vận tải không có nghĩa là làm khó cho DN vận tải mà từng bước sửa đổi những bất cập, áp dụng khoa học quản lý hiện đại để hoạt động kinh doanh vận tải hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hậu quả là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải với nhau. Tình trạng xe chở quá tải, quá khổ ngày càng phổ biến gây hỏng hóc đường sá. Đặc biệt là tình trạng tai nạn giao thông đã và đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Xét về quản lý nhà nước thì trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GTVT.

Siết chặt quản lý

Bên cạnh những yếu tố về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thì chi phí phát sinh “phi vận tải” đang là gánh nặng cho các DN vận tải, chủ hàng. Theo nhiều DN vận tải, chi phí phi vận tải trên tuyến dài khoảng 10-15%, tuyến ngắn thì 20-25%, cá biệt có những tuyến tới 40%.

Tình trạng phổ biến nhất là chở quá tải, hoặc gom các mặt hàng khác nhau để vận chuyển nhằm giảm chi phí vận tải. Do vậy, DN vận tải thường phải bỏ ra nhiều chi phí hơn, tìm cách lách luật để tồn tại. Để có phần bù đắp vào những chi phí không chính thức, tài xế phải tăng chuyến, tăng ca. Hậu quả là hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra.

Một số DN, hoặc một số cá nhân tự tăng giá theo mùa cao điểm, chấp nhận hạ giá để giành khách trong mùa thấp điểm, khiến DN thuê vận tải phân phối hàng hóa có thể gặp rủi ro bất kỳ lúc nào. Thêm vào đó, sự phát triển của hệ thống cơ sở giao thông đường bộ ở Việt Nam không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; nạn kẹt xe tại các thành phố lớn...

Theo ông Khuất Việt Hùng, chi phí vận chuyển hàng  quá cao, sẽ giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là vấn đề làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong vận tải đường bộ Việt Nam. Do vậy, trong năm 2013- 2014, Bộ GTVT nhất quán với quan điểm siết chặt quản lý vận tải đường bộ để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét