Phân tích lỗi ngay trên máy
Thiếu tá Trần Trọng Thủy, Đội trưởng Đội CSGT TP Biên Hòa, cho biết hệ thống camera này được lắp đặt hoàn chỉnh từ ngày 15-5, Đội CSGT TP Biên Hòa là đơn vị tiếp nhận và quản lý. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng kinh phí gần 92 tỉ đồng. Hiện có tất cả 25 điểm quan trọng với 58 trụ gắn camera đã được lắp đặt. So với các địa phương khác, hệ thống camera do Công an tỉnh Đồng Nai đưa vào sử dụng hiện đại hơn khi sử dụng phần mềm tự động, mã hóa các lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách, lấn tuyến… hay xác định nguyên nhân của các vụ tai nạn ngay tức thì. Khi tình huống vi phạm giao thông xảy ra, hệ thống này nhận dạng biển số xe, xác định lỗi, đồng thời trực tiếp truyền về trung tâm giám sát giao thông. Lúc này, lực lượng kiểm soát giao thông trên máy có thể liên lạc ngay với các đội tuần tra đang làm nhiệm vụ để xử phạt tại chỗ hoặc có thể xử lý lưu trữ để tiến hành phạt nguội.
Đặc biệt, theo thiếu tá Thủy, hệ thống camera giám sát này đều gắn thêm loa phát thanh để thông báo tình hình giao thông cũng như “nêu tên” hoặc nhắc nhở ngay các trường hợp vi phạm. Hệ thống camera và loa phát thanh cũng sẽ giúp giám sát, điều chỉnh tốt hơn mật độ lưu thông trên đường, đồng thời phát hiện và can thiệp kịp thời khi có sự cố. “Hình ảnh do camera lưu lại là căn cứ pháp lý hiệu quả giúp xử lý, làm rõ nguyên nhân khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông một cách chính xác, khách quan hơn” - thiếu tá Thủy nói.
Sẽ xử lý triệt để
Dự báo, việc phạt nguội sẽ gặp khó khăn do chế tài không hiệu quả, người vi phạm không đóng phạt hoặc các phương tiện đã qua quá nhiều lần thay tên đổi chủ trong tình trạng hiện nay. Về vấn đề này, các cán bộ kiểm soát giao thông Công an TP Biên Hòa cho rằng sẽ có biện pháp để xử lý triệt để, đem lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, từ hình ảnh camera ghi lại, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương (kể cả trong và ngoài tỉnh), gửi phiếu báo vi phạm đến tận nơi cư trú của người điều khiển phương tiện. Nếu phiếu báo được gửi đến 3 lần mà người vi phạm vẫn chây ì thì các đơn vị tại địa phương sẽ tiếp tục có các biện pháp chế tài, cưỡng chế. Trường hợp xe vi phạm đã chuyển nhượng hoặc sang tay nhiều lần, lực lượng chức năng cũng sẽ “truy tới cùng” để tiến hành xử phạt đúng người, đúng phương tiện vi phạm.
Theo thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, bên cạnh mục tiêu ghi nhận tình hình vi phạm và tiến hành xử phạt, ý nghĩa lớn nhất mà cơ quan bảo vệ pháp luật hướng đến là răn đe, mong muốn người dân ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông. “Quy trình thực hiện xử phạt qua hình ảnh luôn bảo đảm trung thực, khách quan. Vì vậy, bất cứ phương tiện vi phạm nào cũng bị xử phạt, bất luận chủ xe là người dân hay quan chức, cơ quan công quyền” - thượng tá Đạt nói.
Tuyên truyền trước, phạt sau
Theo Đội CSGT TP Biên Hòa, hệ thống camera đã được lắp đặt hoàn thiện, đưa vào hoạt động nhưng đội ngũ CSGT vẫn đang tiếp tục được tập huấn tiếp cận phương tiện trong một thời gian nữa. Trước mắt, những hình ảnh ghi được trong thời gian sắp tới sẽ dùng để tuyên truyền, sau đó mới tiến hành xử phạt. Khi hệ thống hoạt động, phải có khoảng 15 CSGT trực chiến ở trung tâm phối hợp với các đội tuần tra trên đường.Theo Người Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét