Hỏi:
Tôi nghe nói chỉ khi trong máu hoặc hơi thở có một nồng độ cồn nhất định thì người lái xe gắn máy mới bị xử phạt. Điều này có đúng không? Và theo quy định các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm điều khiển xe gắn máy mà trong người có nồng độ cồn là như thế nào?
Độc giả Trần Khang
CSGT kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. (Ảnh Sưu tầm) |
Tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với người điều khiển xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 01 tháng.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 02 tháng.
Như vậy, khác với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe chuyên dùng là cứ có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là bị xử phạt, người điều khiển xe gắn máy chỉ bị xử phạt khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người điều khiển xe gắn máy nên tham gia giao thông trong tình trạng tỉnh táo, tuyệt đối không nên uống rượu bia rồi lái xe.
* Thông tin tham khảo từ Văn bản Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ- CP của Chính phủ.
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét