Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em bị xử phạt như thế nào?

Phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con em mình bị xử phạt như thế nào? Theo quy định, trẻ mấy tuổi khi ngồi lên xe gắn máy thì phải đội mũ bảo hiểm?
Hỏi:

Gần đây, tôi thấy nhiều bài báo đưa tin về hiện tượng phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi lưu thông trên đường bằng xe gắn máy. Cho tôi hỏi theo quy định, trẻ em từ mấy tuổi thì phải đội mũ bảo hiểm và nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Độc giả Thúy Hạnh
Nhiều phụ huynh chưa chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho con. (Ảnh Sưu tầm)
Trả lời:

Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Tại Điểm k, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) quy định xử phạt hành chính người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi vi phạm: Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Đội mũ bảo hiểm là phương pháp để giảm thiểu tối đa những tai họa cho trẻ em khi có tai nạn giao thông xảy ra. Vì vậy, khi đi xe gắn máy, các phụ huynh nên đội mũ bảo hiểm cho con em mình có độ tuổi từ 6 tuổi trở lên. Khi đó, người điều khiển xe vừa chấp hành các quy tắc về giao thông đường bộ vừa bảo đảm an toàn cho trẻ em.

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Mẫn Mẫn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét