Các xe tải vận chuyển hàng hoá bị kiểm tra trọng tải tại trạm cân |
Sau khi việc vận chuyển quá tải bị siết lại, giá cước vận tải tại tỉnh Bình Thuận rục rịch tăng 60 - 100%. Mức tăng giá cước vận tải lần này tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Thế nhưng, để trả lại giá trị thực của thị trường vận tải, bảo vệ các công trình giao thông, không còn lựa chọn nào khác là nói không với xe quá tải, chấp nhận tăng giá.
Một thực tế chung là, lâu nay, gần như tất cả các doanh nghiệp , đơn vị vận tải đều chở hàng quá tải trọng cho phép nên góp phần đưa giá cước vận tải xuống thấp.
Kể từ ngày 1/4/2014, khi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước ra quân cân xe quá tải, các xe chở hàng buộc phải hạ tải nếu không muốn bị phạt thì giá một số hàng hóa theo đó cũng tăng theo.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong vòng 1 tuần trở lại đây, kể tù khi việc cân xe quá tải trên địa bàn được siết chặt, giá cước một số mặt hàng đã tăng vùn vụt. Việc tăng giá này, theo nhận xét của một số nhà kinh doanh là điều tất yếu.
Trước đây, do ngành chức năng thả lỏng việc xử lý xe quá tải nên các đơn vị vận tải hầu như đều chở quá tải trọng cho phép gấp nhiều lần. Các loại hàng nặng như xi măng, sắt thép, gạch... thường chở quá tải gấp 3 lần, vì vậy cước vận tải cũng theo đó mà hạ xuống.
Giá vật liệu xây dựng đang tăng |
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện nay, trên thị trường, một số mặt hàng tiêu dùng có yếu tố chịu cước vận tải đã bắt đầu tăng nhẹ; các loại vật liệu xây dựng (VLXD) như xi măng, sắt, thép, gạch ốp lát... đã tăng giá rất cao. Hiện các DN đang tính phương án đầu tư thêm xe vận tải và tìm hiểu phương thức vận tải khác để có thể đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng...
Với thực tế hiện nay, hàng hóa tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Không phải DN tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, mà trên thực tế, do chi phí vận tải tăng nên buộc họ phải tăng giá bán để bù cước vận tải. Và, với hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng đang chịu cước vận tải cao do phải vận chuyển từ các nơi xa về như hiện nay, thì việc đối mặt với “cơn bão giá” trong thời gian tới là điều dễ hiểu.
Theo một lái xe chạy tuyến TPHCM – Bình Thuận cho biết, chở đúng tải vừa nhẹ nhàng vừa an toàn, nhưng các chi phí dọc được quá lớn, buộc phải chở quá tải. Nhưng hiện nay, địa phương nào cũng đặt trạm cân, buộc tài xế phải chở đúng tải hoặc tạm ngưng chạy, ảnh hưởng tới thu nhập. Vì nếu không san tải khi cân, ngoài việc bị phạt vì quá tải còn bị tạm giữ bằng lái 30 ngày. Nếu không tăng cước thì không thể chạy được.
Hẳn nhiên, khi thực hiện việc siết chặt xe quá tải, các cơ quan quản lý Nhà nước đã dự đoán được xu hướng tất yếu giá các loại hàng hóa liên quan tới vận tải sẽ tăng lên, tác động tới túi tiền của người dân. Tuy nhiên, trước hậu quả do xe quá tải gây ra như: đường sá, cầu, cống hư hỏng; những vụ tai nạn giao thông thảm khốc… thì siết xe quá tải cũng là điều nên làm.
Theo nhiều chủ xe, cước tăng hay giảm của loại hình xe này không phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu, mà chủ yếu vào hoạt động của các trạm kiểm tra kiểm soát trên đường là chặt, hay lỏng. Nếu các địa phương đều làm căn và xuyên suốt 24/24 như tỉnh Bình Thuận thì việc chở quá tải là điều không thể.
Từ khi việc kiểm tra trọng tải hoạt động làm thị trường hàng hoá bị ảnh hưởng, bắt đầu leo thang |
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp vận tải không ai muốn chở hàng quá tải để bị phạt và tước giấy phép lái xe. Giờ đây, chở đúng tải, các đơn vị vận tải sẽ yên tâm hơn vì an toàn giao thông sẽ được nâng cao; không bị lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử phạt do lỗi quá tải.... Cho dù có những khó khăn vì phải đàm phán lại giá cước với chủ hàng nhưng đa phần các doanh nghiệp vận tải đều lên tiếng đồng tình, ủng hộ chủ trương của cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số ý kiến còn cho rằng, việc kiểm soát tải trọng xe ôtô đã đưa giá của hàng hóa về giá trị đích thực, các doanh nghiệp cũng sẽ không thể mãi ngồi yên để kêu khó mà phải thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét