UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét kiến nghị của cử tri quận Tân Bình về việc không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, cùng đề nghị "vui lòng phúc đáp UBND thành phố trước ngày 25/4".
Đây là những kiến nghị của cử tri mà HĐND thành phố yêu cầu UBND giải quyết trước và sau kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12, khóa VIII.
Theo UBND thành phố, cử tri quận Tân Bình không đồng tình với việc xây sân bay Long Thành (Đồng Nai) vì hiện nay đất nước còn nghèo, không nên vay vốn ODA để xây dựng trong khi sân bay Tân Sơn Nhất chưa sử dụng hết tiềm năng.
Cử tri quận này tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải tỏa sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thu hồi ngay đất sân golf để mở rộng sân bay. Việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng tại đây sẽ ảnh hưởng đường bay, gây nguy hiểm, chưa kể nguy cơ gián điệp nước ngoài trà trộn vào khu vực này làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Liên quan đến việc xây dựng sân bay Long Thành, tại kỳ họp HĐND cuối năm 2013, trước chất vấn của đại biểu, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho rằng, phần đất của sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng quản lý, còn thành phố chỉ quản lý địa bàn. Các cơ quan chức năng cho phép xây dựng sân golf hẹp nhưng nằm ngoài vùng an toàn bay, ở khu vực rìa sân bay.
Theo ông Quân, thành phố đã thỏa thuận, nếu đất quốc phòng khi sử dụng khai thác hoạt động kinh tế mà không ảnh hưởng tới an ninh, không ảnh hưởng tới sân bay thì đồng ý cho làm. Còn sử dụng phần đất đó vào dự án, mục đích gì phải xin phép Bộ Quốc phòng. TP HCM chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, lưu thông và sân bay vận hành an toàn. Với số lượng khách như hiện nay, thành phố ủng hộ xây sân bay quốc tế Long Thành còn sân bay ở đây sử dụng như thế nào là quyết định của Trung ương. TP HCM có trách nhiệm tham gia vì sự phát triển chung của đất nước.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, các đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Thủ tướng về vấn đề xây dựng sân bay Long Thành. Ngày 13/1, trong văn bản trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách một năm rất tốn kém, không khả thi và cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành để bổ sung và dần thay thế.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000 ha thuộc địa bàn 6 xã của tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất, hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020 - 2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên đến 100 triệu hành khách mỗi năm với 4 đường bay. Dự án dự kiến có tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD, riêng giai đoạn 1 là gần 6 tỷ USD.
Theo chủ đầu tư, so sánh dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với phương án mở rộng Tân Sơn Nhất (dự báo sẽ quá tải sau năm 2020) hoặc căn cứ không quân Biên Hoà, chi phí cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỷ USD (bao gồm cả chi phí thu hồi đất). Trong khi đó, việc mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỷ USD và Biên Hòa cần 7,5 tỷ USD, nhưng nơi này lại bị nhiễm độc dioxin.
Theo VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét