Khẳng định không có khoảng cách nào giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý là Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT đã giải đáp hàng chục ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải tại cuộc đối thoại diễn ra chiều 6/10.
“Nóng” chuyện cải tạo phương tiện và tải trọng xe
Bài viết liên quan : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
Tại cuộc đối thoại của Bộ GTVT với doanh nghiệp vận tải, trong số gần 50 doanh nghiệp đến dự, có đến 14 doanh nghiệp đặt câu hỏi. Trong số đó có 13 câu hỏi về lĩnh vực cải tạo phương tiện và qui định về tải trọng xe, cân xe. Cuộc đối thoại dự kiến kết thúc lúc 17h, nhưng phải đến 18h Thứ trưởng Lê Đình Thọ mới kết luận được cuộc họp.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, mục đích của cuộc đối thoại là nhằm cùng gặp nhau chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như kinh doanh, hạn chế những bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp vận tải, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Mở đầu buổi đối thoại, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng bày tỏ bức xúc vì nhiều xe sơ mi rơ mooc (SMRM) được nhập về có tải trọng thiết kế cao nhưng khi đăng kiểm cho phép lưu hành lại bị rút thấp xuống. Có những xe chở được 31 tấn nhưng chỉ được cho phép vận chuyển hơn 21 tấn. Ông Tiến cũng đề nghị cho phép tăng tổng tải trục xe lên trên 10 tấn/ một trục đơn như hiện nay hoặc chỉ khống chế tổng tải trọng phương tiện mà không cần tính tải trọng trục.
Giám đốc Công ty CPVT Xuân Trường (Hải Phòng) cũng kêu: “Doanh nghiệp phải đi vay tiền ngân hàng để đầu tư phương tiện nhưng về lại không được chạy đúng tải trọng thiết kế".
Về những kiến nghị này, Thứ trưởng Thọ cho biết: “Vừa rồi siết chặt kiểm soát tải trọng xe nên đã thấy xuất hiện nhiều bất cập. Nhiều xe, nhất là SMRM được chế tạo theo đơn đặt hàng và không theo tiêu chuẩn quốc tế nên có tải trọng rất lớn. Chẳng hạn như xe HOWO do Trung Quốc sản xuất nhưng họ không cho lưu hành ở nước họ mà chỉ mang về Việt Nam mới lưu hành được. Nếu theo hồ sơ đăng kiểm, chỉ vận chuyển hàng được 6 – 7 tấn nhưng đã được thay lốp, độn nhíp, cơi thùng để vận chuyển được tới 9 - 10 tấn. Nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, phải cơi nới mới có hiệu quả nếu không thì sẽ không sống được”.
“Một đoàn xe quá tải sẽ làm xuống cấp hạ tầng giao thông rất nhanh. Lẽ ra, đường tốt đi được 10 năm, xe quá tải phá chỉ còn vài năm, thiệt hại không gì bù đắp được. Vì thế, có những cái chúng ta tháo gỡ được nhưng cũng có những cái không thể tháo gỡ là như thế. Còn nếu có nhưng đơn vị, quản lý mà tắc trách dẫn đến xe không lưu hành được, chúng tôi sẽ xử lý ngay”, Thứ trưởng Thọ cho biết.
Liên quan đến những kiến nghị này của doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết: “Việc điều chỉnh tải trọng là có. Tuy nhiên doanh nghiệp cần phải hiểu nguyên tắc cấp tải trọng cho xe, không phải do Cục Đăng kiểm VN qui định mà do tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành qui định dựa trên cả tiêu chí sức chở (do nhà sản xuất quyết định) và qui chuẩn cầu đường thực tế”.
Cũng có ý kiến của các đơn vị vận tải cho rằng, có sự phân biệt khi có xe được phép cải tạo để tăng tải trọng theo văn bản của Bộ GTVT, nhưng cũng có xe lại không được vào diện này mặc dù như nhau. Về ý kiến này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đăng kiểm VN phải thành lập tổ cơ động với đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao xuống cùng doanh nghiệp xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh”.
Kiểm soát tải trọng xe: “Không lùi mà chỉ có tiến”
Đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đề xuất cho phép cho sử dụng xe có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa theo đúng thiết kế của xe trong phạm vi công trường để bảo đảm hiệu quả kinh doanh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: “Tôi đồng tình cho lưu hành trong đường chuyên dùng, được thiết kế, qui hoạch cho xe quá khổ quá tải. Tuy nhiên, đã là xe chuyên dùng chỉ được đi đường chuyên dùng còn ra quốc lộ, tỉnh lộ vẫn phải theo qui định chung”.
“Tôi chứng kiến một tuyến đường được đầu tư bằng vốn ADB hơn 20 tỷ đồng nhưng để đầu tư khai thác một mỏ quặng bằng xe HOWO chỉ 3 – 4 tháng đường tan tành. Hiện nay, nhiều tuyến đường cấp hạng thấp, kết cấu thấp bị tàn phá kinh khủng. Chúng ta phải thấu hiểu với Nhà nước. Cần hiểu nhau để giải quyết mâu thuẫn này”, Thứ trưởng Thọ đề nghị các doanh nghiệp cần phải hiểu và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước và xã hội.
Đại diện một công ty vận tải đa quốc gia chuyên vận chuyển hàng máy móc thiết bị, máy móc siêu trường siêu trọng cũng đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc xin cấp phép lưu hành đặc biệt. Theo vị Giám đốc này, dù thủ tục qui định cấp giấy phép nghe rất đơn giản nhưng khi xin qui trình rất rắc rối, phức tạp được giải thích vòng vo. Nhiều khi doanh nghiệp xin được, tải trọng được cấp lại rất thấp, xe 6 trục trở lên cũng chỉ được cấp tối đa đến 48 tấn.
Trả lời ý kiến này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, thủ tục cấp phép xe quá khổ quá tải đã được cải cách, chỉ trong 5 ngày chuyển hồ sơ sẽ cấp phép. Tuy nhiên, thực tế, nhiều lái xe khi đi xin cấp phép chưa hiểu nhiều qui định về thủ tục nên bị kéo dài thời gian. Ông Huyện không loại trừ có tiêu cực, nhũng nhiễu: “Nếu có trường hợp vòng vo đề nghị cho biết cụ thể qua đường dây nóng do chính tôi cầm, tôi sẽ xử lý ngay”, ông Huyện cho biết.
Tại cuộc buổi đối thoại, một số ý kiến cũng đề xuất tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cấp phép kinh doanh vận tải, tải trọng xe khách, qui định về bảo hiểm đối với lái xe, phản ánh về tình trạng xuất hiện nhiều sổ đăng kiểm và GPLX giả…
Kết luận cuộc họp Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu, đối với vấn đề cải tạo SMRM, Cục Đăng kiểm VN phải có sơ kết đánh giá lại đúng thực trạng sau 2 tháng thực hiện. Có những vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước và cả kỹ thuật. Khi đã đánh giá phải đưa ra giải pháp để thực hiện, tháo gỡ những tồn tại. Cần chia sẻ, đồng cảm với doanh nghiệp. Cục Đăng kiểm VN cần phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN xuống ngay các doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc. Cần nắm đúng thực trạng để giải quyết cho đúng.
Đối với việc kiểm soát tải trọng phương tiện, Thứ trưởng Thọ khẳng định sẽ: “Không lùi, không đi ngang, chỉ có tiến. Tôi biết nhiều doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng xem cơ quan Nhà nước có dừng lại không. Tôi khẳng định tiến tới sẽ còn siết chặt hơn. Nếu xử lý hàng nghìn xe, mất hàng trăm tỷ cũng phải làm, còn hơn mất hàng nghìn tỷ do hư hại cầu đường. Siết chặt tải trọng cũng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từ khi thực hiện đến nay, không thấy có doanh nghiệp nào phản ánh về khó khăn do siết chặt đối với xe quá khổ, quá tải. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp rất ủng hộ. Với quyết tâm như hiện nay, cố gắng sang năm 2015 chúng ta sẽ tạo được một môi trường kinh doanh vận tải khác hoàn toàn, bình đẳng và văn minh hơn”, Thứ trưởng Thọ cho biết.
NTC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét