Tình hình sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với hàng dệt may, da giày, mỹ phẩm. Đáng chú ý, hàng hóa chất lượng thấp từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam gia tăng.
Bài viết liên quan : vận chuyển hàng hóa đi campuchia
Buôn lậu diễn biến phức tạp, tinh vi
Ông Chu Xuân Kiên - Chi cục Trưởng Chi cục QLTT Hà Nội - cho biết, tình trạng buôn bán vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội tuy có giảm so với cùng kỳ 2013 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi, tổ chức hoạt động tạo thành đường dây, ổ nhóm; đặc biệt có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hàng dệt may, mỹ phẩm, da giày. Đáng chú ý, hiện tượng hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ, tên thương mại, nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam như đồ dùng vệ sinh, khóa, bóng đèn, săm lốp… gia tăng.
Theo ông Kiên, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng hóa lậu từ biên giới về Hà Nội theo 5 tuyến đường: Từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội và hàng lậu từ Thái Lan qua miền Trung thẩm lậu về Việt Nam. Ngoài ra, tại chợ Đồng Xuân và Ninh Hiệp đã hình thành các nhóm vận chuyển từ Trung Quốc về Hà Nội và đưa tiếp vào phía Nam bằng đường sắt và chuyển phát nhanh.
8 tháng đầu năm, TP. Hà Nội đã kiểm tra 19.960 vụ việc, tổng số vụ xử lý 9.414 vụ, khởi tố 31 vụ với 34 bị can. Trong đó, hàng cấm nhập: 1.445 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ: 1.015 vụ; gian lận thương mại: 5.188 vụ; vi phạm khác: 1.766 vụ. Tổng số tiền phạt lên tới 1.283,6 tỷ đồng.
Ngăn chặn buôn lậu ngay từ cửa khẩu
Theo ông Chu Xuân Kiên, việc phối hợp thông tin giữa các đơn vị chống buôn lậu còn thiếu tính chủ động, nhạy bén. Nhiều khi có thông tin từ các cơ quan truyền thông mới tiến hành kiểm tra, kiểm soát nên hiệu quả chưa cao, việc triệt phá các đường dây, ổ nhóm còn hạn chế. Công tác xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến giám định còn nhiều bất cập. Hơn nữa, thời hạn và thời hiệu hành chính của các vụ việc ngắn nên dễ xảy ra khiếu kiện về thủ tục hành chính.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu tiếp tục có nguy cơ gia tăng. Ông Kiên cho biết, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi; các mặt hàng nổi cộm như rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng; chú trọng vào mặt hàng tiêu dùng, các loại hàng hóa có giá trị cao. Đặc biệt, Chi cục tổ chức kiểm tra vi phạm xuất xứ giả mạo hàng Việt Nam, hàng hóa quá hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng...
Để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung và hướng dẫn thực hiện các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có việc xác định hàng giả để xử lý. Bên cạnh đó, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, nhưng không quy định rõ cách tính số lợi bất hợp pháp. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị tăng cường năng lực bộ phận kiểm định hàng hóa thực phẩm rau củ, nông phẩm... tại các cửa khẩu, xác định bảo đảm chất lượng mới cho thông quan, đồng thời bảo đảm thuận tiện, khoa học việc kiểm định hàng hóa tạm giữ làm cơ sở xử phạt. Đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu trước khi về đến Hà Nội.
Theo báo công thương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét