Ông Đặng Cao Thanh- Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT tỉnh Bình Định)- cho biết: “Mấy năm gần đây, số phương tiện VTHH tăng khá nhanh. Sau khi Chính phủ có chủ trương cấm xe công nông hoạt động, nhiều chủ xe này đã vay vốn sắm xe tải để thay thế phương tiện cũ nên số đầu xe tải cũng đã ngày một tăng cao. Số lượng phương tiện VTHH phát triển nhanh, trong khi đó lượng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung trong năm qua giảm do suy thoái kinh tế, đã dẫn đến tình trạng thừa xe, thiếu nguồn hàng vận chuyển...
Hiện nay, chỉ cần 200 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe tải loại 2,5 tấn và khoảng 300 triệu đồng là sở hữu một chiếc xe tải loại 5 tấn. Do vậy, có nhiều người xưa nay không hề biết gì đến lĩnh vực VTHH cũng đổ xô đầu tư vào kinh doanh dịch vụ này. Anh Nguyễn Tấn Bình, một chủ xe tải ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), cho biết: Trước kia tôi là tài xế xe “cọc cạch”, nhưng khi Nhà nước cấm không cho xe này lưu hành, tôi đã vay tiền mua xe tải nhẹ để hành nghề. Chiếc xe tải của tôi có giá 200 triệu đồng, trong đó vốn vay gần một nửa.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đã tăng cường sắm xe để tự vận chuyển hàng hóa của mình. Ông Lê Tấn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Tấn Ngọc (ở thị xã An Nhơn - Bình Định), cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên làm các loại cửa sắt, cửa cuốn và nhà tiền chế nên thường xuyên vận chuyển hàng hóa giao cho khách. Mấy năm trước, công ty phải thuê phương tiện bên ngoài, phải trả chi phí cao nhưng lại không chủ động được thời gian nên tôi quyết định mua xe tải để tự phục vụ. Mặc dù phải đầu tư một số vốn tương đối lớn, nhưng sau vài năm khi khấu hao tài sản xong, vẫn còn lại chiếc xe hoạt động bình thường, coi như đầu tư có lời bằng cách tự cung ứng dịch vụ cho mình”.
Chính những diễn biến nêu trên đã làm cho lượng xe tải trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng đột biến vào những năm gần đây. Theo thống kê của Sở GT-VT Bình Định, hiện toàn tỉnh có 18.600 xe tải các loại, tăng 8.000 chiếc so với năm 2010; trong đó số xe tải nặng (loại 10 tấn trở lên) là 8.120 chiếc, tăng 3.200 chiếc. Lượng xe tăng nhanh, trong khi kinh tế suy thoái khiến nguồn hàng bị hạn chế, thế nên còn diễn ra hiện tượng chi phí đầu vào tăng cao, điển hình là giá nhiên liệu tăng lên, nhưng oái ăm là cước vận tải lại không thể tăng theo tương ứng.
Đìu hiu mùa Tết
HTX vận tải 30-3 An Nhơn hiện có trên 100 xe tải loại từ 1,5 tấn trở lên. Trong số này, chỉ có khoảng 30 xe ký được hợp đồng vận chuyển hàng hóa dài hạn cho các đơn vị kinh tế khác, số còn lại phải tự tìm hợp đồng vận chuyển hàng thuê từ các cá nhân theo giá thỏa thuận. Để có hàng chạy, các chủ xe cạnh tranh khá quyết liệt, chủ yếu là hạ giá cước vận chuyển. Có nhiều trường hợp không có nguồn hàng, mỗi tháng chỉ cho xe hoạt động từ 10-15 ngày và chờ vào mùa Tết để phục vụ.
Mọi năm, từ khoảng cuối tháng 10 Âm lịch trở đi, các DN VTHH trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ký kết được nhiều đơn hàng vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết. Tuy nhiên, năm nay thị trường VTHH mùa Tết ở Bình Định lại diễn ra khá trầm lắng. Đến thời điểm này mà các DN VTHH vẫn chưa có sự chuẩn bị gì để phục vụ Tết. Ông Lê Văn Kỳ, Giám đốc Công ty Vận tải- Thương mại Minh Tuấn (ở TP Quy Nhơn), cho biết: “Gần 20 năm trong nghề VTHH, chưa bao giờ DN chúng tôi gặp phải khó khăn như hiện nay. Những năm trước đây, nếu có ế ẩm thì đến “vụ chính” như mùa xây dựng, mùa Tết... vẫn không đủ xe để hoạt động, nên có thể cân đối thu chi cả năm. Còn năm nay, hầu như không còn vụ chính, vụ phụ nữa, mà ế dài dài. Đến thời điểm này mà đơn vị chỉ mới có một vài hợp đồng phục vụ Tết”.
Ông Trương Đạt Nhân, Chủ nhiệm HTX vận tải 30-3 An Nhơn, nhìn nhận: “Với những người đang hoạt động trong lĩnh vực VTHH thì đây là kết quả tất yếu khi nền kinh tế cả nước đang gặp khó khăn. Điều này thực ra đã bắt đầu từ mùa Tết năm ngoái, khi bình quân lượng hàng hóa vận chuyển trong dịp cuối năm giảm khoảng 10% so với trung bình nhiều năm trước. Còn năm nay, với những gì diễn ra, có thể dự đoán lượng hàng hóa vận chuyển trong dịp Tết sẽ giảm từ 20-30% so với các năm trước”.
Do không có hàng để vận chuyển, nên nhiều DN VTHH không đầu tư, sửa chữa phương tiện hoạt động mùa Tết. Phần lớn các DN VTHH đều không có kế hoạch mua xe mới, xe đang sử dụng cũng không sửa chữa mà chỉ “duy trì” ở mức khi đưa đi đăng kiểm đạt yêu cầu là được. Cá biệt, một số DN còn đang theo dõi nhu cầu hàng hóa vận chuyển dịp cuối năm, nếu giảm quá mạnh sẽ bán bớt xe để giảm bớt thua lỗ.
Minh Hạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét