Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Vận tải đường thủy “được mùa”

Từ khi cơ quan hữu quan siết vận tải đường bộ, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhu cầu vận chuyển  hàng hóa, nông sản... bằng các loại ghe tàu, sà lan bắt đầu tăng.
Gạo xuất khẩu từ TP Long Xuyên (An Giang) lên sà lan để đưa ra cảng Cát Lái - Ảnh: Đ.Vịnh.

Với hệ thống sông rạch chằng chịt, việc vận chuyển bằng đường thủy tại vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hạn chế lớn nhất trong vận tải đường thủy hiện nay tại khu vực này là thiếu điểm trung chuyển, bốc dỡ...

Chi phí rẻ hơn

"Với đường sá như vậy thì chọn đường thủy là ưu tiên, tuy có chậm nhưng bù lại chở được khối lượng lớn"

Bà Nguyễn Thị Mai(chủ kinh doanh hàng nông sản tại khu cửa khẩu Tịnh Biên)

Ông Trần Thanh Vân, phó giám đốc Công ty CP Gentraco (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho biết với những đơn hàng lớn công ty chọn vận chuyển bằng đường thủy, còn đơn hàng nhỏ đi bằng đường bộ cho đóng container tại kho.

Trung bình mỗi tháng Gentraco vận chuyển hàng  khoảng 15.000 tấn gạo bằng đường thủy từ Thốt Nốt tới TP.HCM.

Thời gian vận chuyển khoảng 24 giờ, chậm hơn so với đường bộ, nhưng có thể vận chuyển số lượng hàng lớn, giá vận chuyển hàng  rẻ hơn, chỉ bằng 1/3 so với đường bộ.

Cụ thể, giá vận chuyển mỗi tấn gạo từ Thốt Nốt đi TP.HCM bằng đường bộ là 300.000 đồng, trong khi vận chuyển bằng đường thủy chỉ 100.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Hòa 2 (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cho biết trước đây công ty chỉ vận chuyển bằng đường bộ.

Tuy nhiên do việc siết tải trọng xe, chi phí vận chuyển tăng lên nên khoảng một tuần qua doanh nghiệp đã chuyển qua chở hàng hóa bằng đường thủy.

Hiện doanh nghiệp này có 10 chiếc tàu, sà lan từ 100 - 150 tấn và đội xe tải chuyên hợp đồng vận chuyển thức ăn gia súc từ Tiền Giang, Bến Tre đi TP Cần Thơ, trung bình khoảng 5.000 tấn/tháng.

Giám đốc một cảng khác ở Cần Thơ cũng nhận định khi siết tải trọng xe thì doanh nghiệp không có cách nào tốt hơn là chọn đường thủy để vận chuyển hàng. Ông dự đoán thời gian tới xu hướng vận chuyển bằng đường thủy sẽ tăng mạnh.

Chủ nhiệm một hợp tác xã vận tải thủy tại quận Thốt Nốt cũng cho biết hợp tác xã có 35 chiếc tàu, sà lan tải trọng từ 120-1.100 tấn đáp ứng hầu hết nhu cầu vận chuyển gạo xuất khẩu của doanh nghiệp và hiện đang hoạt động hết công suất.

Các doanh nghiệp tại Thốt Nốt có rất nhiều phương tiện từ 200-1.000 tấn đủ khả năng vận chuyển hàng số lượng lớn cho doanh nghiệp.

Do đó, không chỉ doanh nghiệp tại địa phương mà ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp... cũng chọn nơi đây làm điểm trung chuyển hàng hóa đi TP.HCM.

“Lợi thế lớn nhất của phương tiện thủy là giá cước bình quân chỉ bằng 30% so với đường bộ, nếu vận chuyển bằng phương tiện lớn thì chi phí chỉ bằng 25% so với đường bộ”, vị này khẳng định.

Theo các doanh nghiệp, ĐBSCL vốn là vùng sông nước với nhiều nhánh sông Tiền, sông Hậu nên vận chuyển nông sản, thủy sản, trái cây, hàng hóa... có khối lượng lớn bằng đường thủy là giải pháp hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực, vật liệu xây dựng cho biết do tuyến quốc lộ 91 trên địa bàn An Giang, Cần Thơ và quốc lộ 80 trên địa bàn Đồng Tháp, Kiên Giang có nhiều cây cầu nhỏ tải trọng thấp, nhiều đoạn đường hẹp, xấu nên vận chuyển hàng theo đường sông bằng ghe tàu sẽ thuận lợi hơn.

Giá có thể thấp hơn

Ông Phan Thành Tiến, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Cần Thơ (quản lý cảng Cái Cui và cảng Hoàng Diệu), cho biết mấy ngày qua số doanh nghiệp đến ký hợp đồng vận chuyển bằng đường thủy qua cảng tăng mạnh so với trước, trong đó nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên vận chuyển bằng đường thủy.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp kinh doanh gạch men ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) trước đây vốn chuyển hàng bằng đường bộ vừa đặt vấn đề thuê 1.000m2 tại cảng Cái Cui để làm kho trung chuyển. Hàng hóa của doanh nghiệp này từ các nơi chuyển bằng sà lan về đây rồi đem đi phân phối.

“Đã có nhiều doanh nghiệp đến liên hệ với chúng tôi nên chắc chắn việc ký hợp đồng vận chuyển bằng đường thủy và thuê kho bãi sẽ còn tăng” - ông Tiến nhận định.

Trong đó, những địa phương có nhiều doanh nghiệp chọn đường thủy để vận chuyển hàng hóa có thể kể đến là các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu như Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Theo ông Tiến, việc vận chuyển bằng đường thủy dù mất nhiều thời gian và chi phí cẩu hàng lên xuống nhiều hơn nhưng bù lại doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí vận chuyển khá lớn so với đường bộ, nhất là trong bối cảnh giá cước vận chuyển đường bộ tăng mạnh thời gian gần đây.

Hiện nay tại hai cảng Hoàng Diệu và Cái Cui các sà lan chở 24 container và 36 container liên tục vận chuyển hàng hóa lên TP.HCM khi có nhu cầu.

Ông Tiến cho hay nếu có số lượng lớn doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển sẽ đưa sà lan tải trọng 148 container và 300 container vào khai thác, khi đó giá vận chuyển có thể thấp hơn nữa.

Nắm được xu thế này, hiện Công ty TNHH một thành viên Cảng Cần Thơ đang xúc tiến cùng các đối tác lắp đặt cẩu có thể bốc dỡ hàng hóa quy mô lớn để làm cảng trung chuyển container cho ĐBSCL và cả cho cảng Phnom Penh (Campuchia).

Theo các doanh nghiệp, quốc lộ 80 nối quốc lộ 1 với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và hai quận Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh của Cần Thơ dù là tuyến lưu thông huyết mạch nhưng vẫn còn một số cây cầu tải trọng thấp chỉ 20 tấn như Xẻo Vạt, Tân Xuân, Bà Vạch...

Khi Đồng Tháp cho đặt trạm cân gần cầu Xẻo Vạt kiểm tra tình trạng phương tiện vượt tải trọng cầu, nhiều ngày xe tải chở hàng phải đậu nối đuôi chờ tới khi tổ kiểm tra nghỉ làm việc mới cho xe bò qua cầu.

“Xe tải có trọng lượng đã 15 tấn nhưng cầu tải trọng chỉ 20 tấn, nếu chỉ chở 5 tấn hàng thì sao đủ chi phí nên xe nào cũng chở hàng quá tải trọng cầu. Có hôm đậu xe chờ gần cả ngày để né trạm cân. Thấy thời gian vận chuyển quá chậm, nhiều khách hàng bắt đầu chuyển qua thuê chở hàng bằng đường thủy” - anh Lê Văn Khách, tài xế xe tải chạy tuyến Rạch Giá - TP.HCM, nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét