Giá cao người tiêu dùng chịu
Kể từ khi các cơ quan chức năng kiểm soát xe quá tải (1-4) bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc, phải chạy đôn chạy đáo đi tìm doanh nghiệp vận tải.
Bà Yến cho biết, trước đây giá cước vận chuyển gạo từ chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang về cảng Sài Gòn dao động khoảng 120.000 đến 130.000 đồng/tấn. Thế nhưng, mấy ngày qua doanh nghiệp vận tải không chịu chạy với mức cước cũ. “Doanh nghiệp vận tải đòi giá cước phải lên gấp đôi, gấp 3 lần mức cũ mới chịu chạy”, bà nói.
Lý giải việc giá cước tăng, đại diện doanh nghiệp vận tải Minh Phượng, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết nếu doanh nghiệp chạy đúng tải, chẳng hạn xe 15 tấn chở 15 tấn, với giá cước 120.000 đến 130.000 đồng/tấn như trước đây sẽ không đủ tiền dầu, tiền thuê tài xế, cho nên phải nâng giá cước lên nữa mới sống được. “Ngược lại, trước đây cũng với giá cước từ 120.000 đến 130.000 đồng/tấn nhưng doanh nghiệp sống được là vì xe 15 tấn thì chở 32 tấn, trừ tiền dầu, tiền thuê tài xế cũng còn lời được 1 triệu đồng/chuyến”, vị này cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi 2, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, phải tạm hoãn kế hoạch vận chuyển một lượng lớn gạo ra phía Bắc tiêu thụ. “Với chi phí vận chuyển đội lên quá cao như vậy, rõ ràng có đưa được gạo ra ngoài đó cũng chẳng có lãi nữa”, ông lý giải.
Để giải quyết khó khăn trước mắt một số doanh nghiệp đã thay xe tải bằng ghe, tàu để vận chuyển hàng gạo lên cảng Sài Gòn và một số khu vực lân cận. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án tạm thời vì có những nơi vẫn phải vận chuyển bằng xe.
Theo các doanh nghiệp, việc tăng cước vận chuyển thì nông dân và người tiêu dùng là hai đối tượng phải gánh phần lớn hậu quả. Bà Yến lý giải giá cước vận chuyển hàng hóa lên thì bắt buộc giá lúa gạo, giá nông sản phải tuột xuống. Điều này, dẫn đến hệ lụy, một bên là nông dân gánh, một bên là người tiêu dùng gánh.
Ghi nhận tại ĐBSCL, sau khi áp dụng kiểm tra tải trọng xe từ ngày 1-4, giá cước vận chuyển hàng hóa nói chung và lúa gạo nói riêng đã tăng lên khoảng 50 đến 60% so với trước đó.
Ngược lại, giá lúa gạo đã quay đầu giảm khoảng 150 đến 250 đồng/kg. Hiện lúa IR 50404 tươi ở ĐBSCL chỉ còn 4.100 đến 4.200 đồng/kg và 6.450 đến 6.550 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống IR 50404.
Cơ quan quản lý: Kiểm tra để tạo sự bình đẳng cho DN vận tải
Trước tình trạng giá vận chuyển tăng cao và hàng hóa bắt đầu bị ách tắc tại cảng Hải Phòng, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tải trọng xe để lập lại trật tự trong kinh doanh vận tải.
Theo ông Cường, nếu đem so sánh giữa việc để hàng lưu thông bình thường mà đường vừa làm xong đã hỏng thì sẽ thấy những thiệt hại về đường sá còn lớn hơn nhiều. Nếu không làm tốt việc kiểm soát tải trọng thì tuổi thọ của công trình sẽ còn ngắn nữa.
“Tôi cho rằng, việc kiểm soát chặt tải trọng xe sẽ tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải. Bởi trước đây các doanh nghiệp chở đúng tải thường bị các doanh nghiệp chở quá tải chèn ép về giá cước. Nếu trước đây doanh nghiệp chở quá tải thì chỉ đi một xe thì nay chở đúng tải phải đi 2 xe thì hàng hóa vẫn lưu thông nên không bị ảnh hưởng nhiều”.
Về phía doanh nghiệp vận tải, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh cho rằng, cách kiểm tra tải trọng như hiện nay chỉ làm được phần ngọn. Cơ quan nhà nước phạt hoặc giữ bằng lái rồi lại cho đi, nếu làm như vậy thì Nhà nước chỉ đi thu tiền phạt.
“Tôi cho rằng muốn xử lý tận gốc được vấn đề xe chở quá tải thì phải quy định rõ ràng, ví dụ như chỉ cho nhập loại xe nào phù hợp với đường sá của Việt Nam. Nếu nhà nước cứ quy định chỉ cho nhập xe 23 tấn thì doanh nghiệp có muốn chở thêm cũng không chở được” ông nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét