Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Chưa nên cấm tàu nước ngoài vận chuyển hàng ở trong nước

(TNO) Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) vừa có công văn (ngày 27.11) gửi Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị về việc chưa nên ngừng cấp phép vận tải cho các tàu mang quốc tịch nước ngoài vận chuyển hàng hóa container ở tuyến nội địa.

Trước đó Bộ Giao thông vận tải có chủ trương tạm dừng cấp phép vận tải container trên các tuyến nội địa cho tàu nước ngoài từ 1.1.2013 nhằm phát triển đội tàu Việt Nam.

Vietfores cho rằng chủ trương này chưa phù hợp bởi đội tàu biển nước ngoài có hệ thống quản lý, điều hành tốt và sử dụng hiệu quả dịch vụ hậu cần, thông tin về khách hàng, hàng hóa…
Trong khi đó, đội tàu biển trong nước còn yếu về năng lực tài chính, không cam kết về giá cước, không đảm bảo lịch trình và cũng chưa có mối quan hệ cần thiết với tàu mẹ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trên các tuyến quốc tế.

Do đó, giá cước vận tải của tàu biển trong nước thường cao hơn 50% so với giá cước của đội tàu biển quốc tế.

Ngoài ra, tàu biển trong nước có nhiều hạn chế như tàu có trọng tải lớn không thể vào nhiều cảng biển ở miền Bắc, miền Trung.

“Chỉ vì quyền lợi của một số ít doanh nghiệp vận tải trong nước sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và còn làm cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam không cố gắng vươn lên để có sức cạnh tranh với doanh nghiệp vận tải nước ngoài”, công văn nêu rõ.

Ngoài ra, nếu để đội tàu trong nước “một mình một chợ” chắc chắn sẽ phát sinh tình trạng độc quyền và đẩy chất lượng dịch vụ của đội tàu biển Việt Nam ngày càng giảm.

Hiện có khoảng 20 tàu biển (với tổng trọng tải khoảng 500.000 DWT) treo cờ nước ngoài đang hoạt động trên các tuyến vận tải container nội địa.

Ước tính của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, doanh thu của vận chuyển container nội địa khoảng 1.000 tỉ đồng/năm.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, hiện các doanh nghiệp gỗ Bình Định đang sử dụng toàn bộ đội tàu nước ngoài chạy tuyến Hải Phòng - Đà Nẵng - Quy Nhơn -TP.HCM vận chuyển hàng hóa đến các cảng trung chuyển trước khi xếp hàng lên tàu mẹ xuất khẩu sang thị trường chính châu Âu, Mỹ…

Do đó, nếu tạm ngừng việc tàu nước ngoài vận chuyển hàng trên tuyến nội địa thì chắc chắn đội tàu trong nước không có đủ năng lực đáp ứng và thay thế.

Tình trạng hàng hóa bị rớt lại, ách tắc, ứ đọng tại cảng Quy Nhơn và nhiều cảng khác sẽ diễn ra thường xuyên, từ đó làm gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét