Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết hiện sản lượng vận chuyển đường bộ chiếm ít nhất 50% tổng lưu lượng vận chuyển, nhiều thời điểm chiếm cao hơn trong khi đường sắt chỉ chiếm 2%, đường biển chiếm khoảng trên 30% do có lợi thế từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Bất hợp lý giữa các loại hình vận tải được bộc lộ rõ khi cước vận tải đường bộ tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn không chọn chuyển hàng bằng đường sắt, đường thủy.
“Kẻ ăn không hết”
Ông Bùi Danh Liên kể có nhiều chủ hàng đã từng áp dụng cả 3 phương thức vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển từ Hà Nội vào TP HCM nhưng cuối cùng vẫn quay về với đường bộ vì tính năng động, tiện lợi của nó.
Ông Liên phân tích: Đường biển tuy chi phí rẻ nhất nhưng phải vận chuyển quá dài ngày trong khi với thị trường, hàng hóa được vận chuyển nhanh ngày nào là lợi ngày đấy.
Đường sắt thì giá cước vận chuyển không rẻ hơn đường bộ là bao nhưng vận chuyển phức tạp, mất thời gian, khâu vận chuyển hàng từ nơi sản xuất lên tàu, từ tàu về kho cũng khiến chi phí đội lên.
“Vận tải đường bộ tuy giá cao nhất, không an toàn nhưng lại năng động, mất ít thời gian và đáp ứng được yêu cầu hàng hóa thị trường nên được các chủ xe chuộng” - ông Liên chỉ ra.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng đường bộ hiện có nhiều yếu tố ưu việt khi vận chuyển hàng hóa, đó là: vận chuyển thẳng từ kho đến kho, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, không phải vận tải, xếp dỡ qua khâu trung gian; rất cơ động và có thể hoạt động dưới nhiều điều kiện thời tiết.
Trong khi đó, vận tải thủy nội địa thì phụ thuộc nhiều vào con nước, chưa kể đến việc phát triển thủy điện cũng ảnh hưởng đến nhiều dòng chảy. Vận tải đường sắt không tiện lợi do không có đường đấu nối với các cảng biển, vận chuyển đến kho bãi cũng khó khăn.
Còn theo ông Phạm Thế Trân - Phó Tổng Giám đốc marketing Công ty TNHH NS Bluescope Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm thép phục vụ xây dựng - hiện DN đang sử dụng song song các hình thức vận chuyển: đường bộ cho việc giao hàng từ các kho công ty đến khách hàng và đường thủy cho vận chuyển từ kho nhà máy đến kho công ty tại các vùng miền Bắc, miền Trung.
Theo ông Trân, việc vận chuyển bằng đường thủy đến những khu vực xa có ưu thế tiện dụng và chi phí thấp hơn các hình thức khác. Tuy nhiên, giao hàng từ các kho của công ty đến khách hàng bằng đường bộ vẫn là lựa chọn ưu việt hiện nay.
“Người lần không ra”
Nhiều DN- đặc biệt là DN kinh doanh mặt hàng nông sản, thủy sản- nói không với vận tải đường sắt. Đặc thù của mặt hàng nông, thủy sản là thời hạn sử dụng ngắn, cần vận chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ để bảo đảm tươi ngon nhưng với quy trình vận tải của ngành đường sắt, hàng đến nơi đã hư hỏng hết.
Mặt hàng nông, thủy sản cần phải vận chuyển bằng container lạnh, hiện ngành đường sắt đang chạy thử đội tàu container lạnh nhưng thời gian không đáp ứng được nhu cầu của khách. Chẳng hạn, vận chuyển hàng nông, thủy sản từ các tỉnh phía Nam đến Lạng Sơn bằng đường bộ chỉ mất 2 ngày 3 đêm nhưng nếu đi bằng đường tàu lửa từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến ga Giáp Bát (Hà Nội) ít nhất mất 6-7 ngày, chưa kể từ Hà Nội lại phải có xe trung chuyển đến Lạng Sơn.
Nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt thực sự lớn nhưng phương tiện vận tải quá lạc hậu, năng lực quá yếu và thiếu tính cạnh tranh, tính kết nối hàng hóa giữa các vùng miền.
Cũng ưu tiên chuyển nguyên liệu về nhà máy bằng đường bộ, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Gỗ Kim Bôi, chấp nhận tăng chi phí vận chuyển lên chứ không nghĩ đến việc chuyển hàng bằng đường sắt. “Tính ra không có lợi về chi phí và thời gian vì phải qua nhiều khâu trung chuyển” - ông Hùng thẳng thắn.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết từ tháng 4 đến nay, chi phí vận chuyển đã tăng hơn gấp đôi buộc công ty phải tăng giá bán sản phẩm tại một số thị trường xa. Đến giờ Thép Việt vẫn ưu tiên giao hàng bằng đường bộ. Đường thủy chỉ áp dụng cho các chặng TP HCM - Hà Nội, TP HCM - Hải Phòng, TP HCM - Quy Nhơn.
Theo ông Thái, vận chuyển bằng đường thủy, đường biển chỉ lợi thế ở những chặng xa, còn ở cự ly ngắn thì chi phí tương đương đường bộ, lại mất nhiều thời gian hơn. Đường sắt thì không được tính đến vì dịch vụ chưa sẵn sàng cho vận chuyển hàng hóa, giá cước cao, nhiều bất tiện.
Theo Người Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét