Phóng viên: Cách đây 2 tháng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu "siết chặt kiểm soát xe quá tải", thế nhưng từ lúc đó, cuộc chiến giữa trạm cân và tài xế luôn diễn ra gay cấn không ngơi nghỉ. Tài xế thì tìm đủ mọi cách lách trạm cân, tài xế đâm hỏng trạm cân... Liệu có phải chính sách thực hiện chưa phù hợp với thực tế không, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Về thực hiện kiểm soát trọng tải, tôi khẳng định đây là việc làm thường xuyên, nhưng mất một khoảng thời gian chúng ta không tập trung làm, chứ không phải làm theo thời vụ, thời điểm.
Nguyên do vì sao phải kiểm soát, thứ nhất, xe quá tải gây tác hại rất lớn, thực chất làm hệ thống cầu đường xuống cấp nhanh, trong khi đó, nguồn lực đầu tư của cái này quá lớn. Nguồn lực ở đây là nguồn lực gì, chúng ta cứ gọi là nguồn lực của nhà nước chứ thực ra nó là nguồn lực của dân.
Như vậy, để tính một tỷ lệ so với vốn đầu tư thì nó chênh nhau quá lớn. Ví dụ anh đầu tư xây dựng 1km đường trong đó số tiền đầu tư lớn, nhưng thời gian phá hoại nhanh, cho nên vòng xoáy từ sửa chữa đến đầu tư rất ngắn, mà thời gian ngắn thì không bao giờ có hiệu quả.
Thứ hai, chuyện quá tải, thực sự nó là phương tiện ô tô, trong đấy dòng xe lưu thông rất hỗn hợp có cả xe máy, xe đạp, phương tiện vận tải bằng ô tô. Trong khi đó tuyến đường nào được bao cấp thì còn phân rõ tuyến đường, chứ đây là một dòng xe hỗn hợp tác động đến việc quá tải.
Thứ ba, kiểm soát trọng tải sẽ lặp lại sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề kinh doanh vận tải giữa các doanh nghiệp (DN). Nếu DN làm ăn nghiêm túc, thì họ vẫn tồn tại, phát triển, còn các DN dựa vào chở quá tải để tạo ra lợi nhuận thì nó chỉ là tức thời. Nên chúng tôi đấu tranh để tạo ra sự công bằng.
Thêm nữa, khi mình làm kiểm soát tải trọng chặt chẽ, nó sẽ tác động đến vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, làm càng nghiêm, càng công khai, minh bạch đến đâu, thì số lượng sẽ giảm đi.
Thứ tư, nó tác động đến ATGT, trong 4 tháng đầu năm, cả 3 tiêu chí "số vụ - số người chết - số người bị thương" đều giảm sâu, có nghĩa nó có tác động rất lớn, chưa bao giờ những con số đó giảm sâu như hiện tại.
Đặc biệt, trong 4 tháng đã giảm được 160 người chết, dự báo trong tháng 5 sẽ giảm tiếp, đó là hiệu quả thấy rõ nét.
hứ năm, sau kiểm soát trọng tải các phương thức vận tải bắt đầu phát huy, tự soi mình trong vấn đề yếu kém hiện nay, để chấn chỉnh, kết hợp hài hòa với nhau, đó là cái thành công nhất.
Hiện nay, vận tải đường bộ chiếm 94-95 %, nhưng vừa rồi hàng loạt DN lớn vận tải, kể cả chủ hàng, cũng đã kiến nghị Bộ GTVT nên nghiên cứu vận tải đường thủy, vận tải ven bờ, vận tại biển.
Trước đây, vận chuyển sắt, thép, xi măng toàn bằng đường bộ, quá kinh khủng, đến giờ chuyển sang đường thủy. Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo kết nối cả đường sắt, một phương án kết nối, giả dụ như hàng từ Hải Phòng lên Lào Cai chủ yếu bằng containe, ngoài tàu hàng đang vận chuyển, tăng chuyến tàu hàng lên, từ số liệu dưới cảng, lên tàu hàng và chở thẳng lên Lào Cai và bốc dỡ trên đó.
Vậy để làm được, nó đòi hỏi cái gì, một là, anh điều động cho tốt, hai là, tăng số tuyến tàu, ba là bốc dỡ, bốc dỡ làm tốt thì tác động rất nhanh đến giảm giá thành. Kể cả hàng không, nếu Vietjet, Jestar tăng được tuyến bay nội địa giá rẻ thì sẽ giảm áp lực cho đường bộ rất nhiều.
Phóng viên: Trong khi tài xế tìm cách lách qua trạm cân, người nông dân vẫn bị ép giá vận chuyển lên cao, nên việc tiêu thụ sản phẩm đã khó càng thêm khó. Vậy chúng ta phải nhìn nhận hiệu quả của chính sách này như thế nào?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Thực trạng cho đến nay sau một thời gian triển khai, thực ra hiệu quả chưa cao.
Chúng ta triểm khai làm từ 2013 đến nay, đợt cao điểm bắt đầu từ ngày 1/4/2014, phải lo tập trung, lo chuẩn bị vấn đề thể chế, văn bản quy phạm đầy đủ, cơ sở vật chất, nguồn vốn, tổ chức thực hiện như thế nào, cho đến nay đã cơ bản đầy đủ, nhưng hiện tại, nó bộc lộ 1 số cái cần khắc phúc.
Lo nhất là khi trực tiếp kiểm soát thông qua các trạm kiểm tra. Tỷ lệ vi phạm rất thấp, số xe được vi phạm giảm dần rất nhanh, đến bây giờ chỉ đạt 15-16%, có lúc xuống 14%, có nghĩa đây là số đầu xe được kiểm tra, mức giảm vi phạm như vậy là rất đáng quý.
Thực tế, xe quá tải trên đường giảm đi rất nhiều, nói gì thì nói đây cũng là một thành quả lớn, chứ không phải không giảm.
Tôi khẳng định, giá cả hàng hóa cũng không tăng quá nhiều, vì tăng đột biến thì ai mua, đắt ai mua, kể cả cung - cầu hàng hóa, ngay đến vật liệu xi măng, sắt, thép, nó cũng không tăng lên. Trong tháng 4 giá vật liệu còn giảm, vì vừa qua 1 số DN đã chuyển qua vận chuyển bằng đường thủy, đường sắt, kể cả hàng nông sản.
Chủ hàng họ khoán theo chuyến, lái xe có thể chở quá tải lên, đến thời điểm trước đấy để kiếm lợi nhuận.
Tôi đồng ý giá hàng sẽ tăng nhưng tăng rất nhẹ, đến bây giờ nó dần dần cân bằng, vì qua cuộc trao đổi nhà quản lý - chủ hàng - chủ phương tiện, có chủ hàng chủ phương tiện đến với nhau, bàn với nhau, thỏa thuận, giá cước mỗi bên chịu 1 tý, trên tinh thần không có tăng đột biến.
Vừa qua họ giải quyết rất tốt nên chỉ số CPI của 4 tháng tăng không đáng kể so với cùng kỳ, đặc biệt tháng 4 này nó chỉ có 0,08%, thấp hơn so với trước, đó là một trong những cái biến động giá cả, tác động đến bình ổn giá.
Qua 2 tháng làm chúng tôi thấy cũng bộc lộ 1 số khuyết điểm, nhưng không có nghĩa cứ để cho nó tồn tại, mà phải chỉ ra cái nào khắc phục được, thì khắc phục ngay.
Quyết liệt hơn kết nối các loại hình vận tải
Phóng viên: Đồng thuận với việc chuyển sang sử dụng các loại hình vận tải khác, thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng giá cước vận tải của đường sắt, đường thủy hiện nay quá đắt?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Giá vận tải đường thủy rẻ hơn đường bộ rất nhiều, giá đường bộ gấp 3 - 4 lần. Lâu nay, có thể nói nó chưa được phát huy, đường thủy chưa phát triển, ví dụ cơ sở hạ tầng, thiết bị bốc dỡ chưa quan tâm lắm, đến bây giờ mình quan tâm thì họ lại chuyển loại hình.
Vận tải đường sắt cũng vậy, mặt bằng để bốc dỡ, thời gian để thông qua năng lực từng chuyển tàu nhanh, đảm bảo thì họ sẽ sử dụng. Kéo cự li 400km mà vận tải bằng đường bộ làm sao bằng đường sắt, đường thủy được, đó là bài toàn nhìn rõ kết quả cần tính.
Đến bây giờ chủ hàng cũng như chủ phương tiện vận tải họ đã có bài toán này, chứ không phải khi kiểm soát giá cả tăng, nếu lạm phát thì tăng đột biến, nhưng tăng rất là nhẹ.
Phóng viên: Chuyện khi bắt đầu mà gặp phản ứng từ các bên, Bộ GTVT có để ý, dường như chúng ta đang mắc khó khăn ở khâu DN vận tải?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Chuyện bị phản ứng trước chính sách giai đoạn đầu là đương nhiên, đến bây giờ họ đã nhận thức rõ hiệu quả.
Tôi khẳng định 70% DN có nguồn hàng, các chủ DN vận tải họ đã nhận thức được, chỉ còn 1 số bộ phận cố tình lợi dụng việc này để vận chuyển hàng quá khổ, quá tải, nhưng tôi nghĩ nó không tồn tại lâu dài được, chỉ là thời gian trước mắt.
Anh có hàng thì anh đi thuê chủ phương tiện, mà chủ phương tiện thì phải có những phương án của mình. Ví dụ trước đây, anh 10 tấn thì phải vận chuyển 1 chuyến, giờ 10 tấn phải vận chuyển hàng hóa 2 tấn, đơn giản thế thôi.
Vấn đề kiểm soát tải trọng xe là vấn đề liên tục, lâu dài, lâu nay có 1 số cho rằng, đánh trống bỏ dùi chỉ làm 1 thời gian rồi dừng lại, cũng có 1 số chủ hàng, chủ xe chờ nghe ngóng điều này.
Mặt khác, các trạm kiểm soát, tìm cách này cách nọ, dùng hệ thống cò dẫn đường, chạy qua đường địa phương, đường tỉnh, đường huyện, hiện nay vẫn có trạm cân, có trường hợp liều lĩnh lao thẳng trạm cân, coi đó là phản ứng, những cái này chỉ là trước mắt, đến 1 lúc nào đấy, cả XH, sẽ nhận thức được.
Phóng viên: Nhìn lại rất nhiều hệ thống đường cao tốc mới xây xong đã hỏng, điển hình như cao tốc Long Thành - Dầu Giây chưa đi đã lún, đường Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa làm xong đã sụt, lún nghiêm trọng. Vậy thì việc đổ tội cho xe quá tải làm hỏng đường, đã thực sự đúng và đủ chưa, thưa ông? Theo ông, việc đường nhanh xuống cấp nguyên do còn nằm ở đâu?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, những công trình đang thi công, chưa nghiệm thu, chưa đánh giá mà đã bị hỏng thì làm sao đổ cho xe quá tải được, cái đó nó vô lý.
Nhưng phải khẳng định một trong những nguyên nhân chính làm cho đường xá xuống cấp hiện nay là do xe quá khổ, quá tải gây nên, còn công trình hư hỏng, hỏng hóc do thi công, do quá trình thi công, quản lý chất lượng kém lại là một vấn đề khác, không thể đổ cho xe quá tải hết được, cần sự rõ ràng ở đây.
Còn lưu thông trên các tuyến đường đã đưa vào khai thác, qua quá trình theo dõi, lượng xe quá tải tác động rất lớn. Tôi lấy đơn giản như cũng đường quốc lộ 5 chiều Hải Phòng lên Hà Nội mặt đường biến dạng nhanh hơn chiều từ Hà Nội xuống.
Trong quy chuẩn của tuyến đường được xếp hạng rồi, chỉ quy định tải trọng của nó 10 tấn mà vận chuyển 15 tấn thì nó khác nào con dao chém mặt đường, điều đó là rất bình thường.
Chính vì vậy, tôi khẳng định, đường xuống cấp có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứ không chỉ là một, nhưng nguyên nhân cơ bản là xe quá khổ, quá tải, hiện nay muốn có một con đường tốt thì phải tìm ra được nguyên nhân, chỉ ra được tồn tại thì mới khắc phục được.
Phóng viên: Trước thực trạng khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT có giải pháp gì cho công cuộc cam go trạm cân này hay không? Cụ thể ra sao, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Để làm tốt được việc kiểm soát trọng tải cân thì trước hết, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, là tuyên truyền, muốn gì thì cũng phải có ý thức với trách nhiệm với xã hội, muốn như vậy cơ quan quản lý phải tuyên truyền, trực tiếp và gián tiếp.
Thứ hai, cụ thể bây giờ Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo mỏ vật liệu, các nhà ga, các cảng biển, kể cả các công trình, các dự án, bây giờ quán triệt vấn đề không được chở quá tải, phải thực hiện đúng quy trình xếp dỡ hàng hóa.
Chúng ta cũng đã ban hành, loại hàng này xếp dỡ như nào, loại hàng kia xếp dỡ như nào, đó là yêu cầu chủ phương tiện, các cơ quan.
Thứ 3, tăng cường tuần tra, kiểm soát đây là vấn đề cần, lực lượng thanh tra trạm cân cần phải phối hợp thực hiện, vừa qua sơ kết nó cũng bộc lộ 1 số yếu điểm, mà sắp tới cần thay đổi, chấn chỉnh.
Tồn tại thêm là hiện nay, 63 tỉnh thành với lượng cân hiện nay quá ít. Về cân cố định chỉ có ở Dầu Giây và Quảng Ninh, ngoài ra cũng yêu cầu 1 số trạm nhất là các nhà máy, cảng biển, có thì đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, lắp trạm cân gắn liền trạm thu phí, trạm cân cố định, sắp tới Bộ cho đầu tư theo hình thức BOT, tất cả các trạm thu phí đều phải có trạm cân, rồi khi đặt trạm cân thì đưa vào hoạt động.
Sau đó, hệ thống cân lưu động hiện nay sẽ được đưa về kiểm tra đường địa phương, trong phân cấp quản lý đường chủ yếu có 6 loại đường nhưng hiện nay chúng ta chỉ tập trung kiểm soát trọng tải ở đường quốc lộ, đường tỉnh chưa làm được, đường huyện chưa làm được, đường xã cũng chưa làm được.
Theo Luật Giao thông đường bộ đối với hệ thống đường bộ, Bộ GTVT quản lý, đối với đường tỉnh, đường đô thị cấp tỉnh quản lý, cấp huyện quản lý đường xã, đường giao thông liên thôn. Một xe không dễ đi ra đường cao tốc ngay, dĩ nhiên nó phải qua đường xã, đường huyện, đường tỉnh, nên địa phương cũng phải vào cuộc mà muốn giúp được thì khâu tổ chức, chế độ chính sách, thiết bị.
Tôi cũng kiến nghị Chính phủ, cho phép 1 số địa phương ngoài cân lưu động hiện nay, cố định hiện có, được mua cân xách tay giao cho cấp huyện thực hiện. Thậm chí một số tỉnh hiện nay đã làm tốt như Phú Thọ, Hà Nam, Hà Tĩnh làm rất tốt, tiến hành cho mua thêm cân, tăng cường điểm nóng như mỏ vật liệu, đầu bến cảng, nhà ga, chính quyền huyện, xã làm rất tốt.
Thêm nữa, phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt các vấn đề phương thức vận tải, giảm hẳn ý đồ chở quá tải đi, Bộ đang rất quyết liệt, chúng ta sẽ cụ thể hóa từng luồng tuyến, rồi làm thí điểm, đúc kết khó khăn gì, thiếu gì, cần bổ sung gì để có thể làm được tốt nhất, vấn đề này.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!
Theo Đất Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét