Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Ngành đường sắt Việt Nam yếu kém và lầm tưởng!

Cái tầm, cái tâm của một số lãnh đạo ngành đường sắt không được chuẩn, được tốt nên mới đưa ngành đường sắt ngày càng yếu kém, mục ruỗng đi.

TS Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc NXB GTVT đã có cuộc trao đổi với báo PV trước nhiều vụ việc gây dư luận liên quan đến ngành đường sắt trong thời gian qua.

Là người hoạt động nhiều năm trong ngành giao thông vận tải, ông đánh giá thế nào về năng lực phát triển cũng như những vấn đề của ngành đường sắt hiện nay?

Ở trong ngành giao thông cũng 30 – 40 năm, tôi thấy ngành Đường sắt Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước ngành đường sắt rất đáng trân trọng. Sang thời kỳ hòa bình, từ những năm 75 đến 90, ngành đường sắt còn phát huy được hiệu quả. Lúc đó có đường sắt trục Bắc Nam trở thành mạch máu giao thông trọng yếu.

TS Nguyễn Xuân Thủy
Tuy nhiên từ những năm 90 trở lại đây, ngành đường sắt đã bắt đầu “xuống cấp”: Xuống cấp cơ sở vật chất, phương tiện yếu kém, rồi xuống cấp về phân cấp, chức năng quản lý, đạo đức một số cán bộ. Hay kỹ năng và trách nhiệm của ngành đường sắt đối với xã hội cũng có sự xuống cấp, thậm chí là yếu kém.

Đối với vận tải hành khách, đường sắt chỉ đảm đương được 2–3%, còn hàng hóa khoảng 5%. Từ con số đó chúng ta có thể thấy nó chẳng có ý nghĩa gì trong vấn đề vận tải cả. Nói cách khác đường sắt không thể cạnh tranh nổi với đường bộ, đường biển(trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa )

Một loạt cán bộ ngành đường sắt vừa bị bắt liên quan đến vốn ODA, Cục trưởng Đường sắt bị tạm đình chỉ chức vụ vì phát ngôn "kỳ lạ", TGĐ Tổng công ty đường sắt bị mất chức, phải chăng cán bộ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự yếu kém trì trệ của ngành đường sắt trong nhiều năm qua, thưa ông?

Để xảy ra yếu kém lớn nhất đúng là do năng lực cán bộ, năng lực lãnh đạo của ngành đường sắt. Chính cái tầm, cái tâm của một số lãnh đạo ấy không được chuẩn, được tốt nên mới đưa ngành đường sắt ngày càng yếu kém, mục ruỗng đi.

Trong xu thế phát triển chung, ngành đường sắt đã bị tụt hậu. 

Chuyên gia giao thông cho rằng, ngành đường sắt có nhiều vấn đề lầm tưởng.

Câu chuyện nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng, dù đang điều tra, nhưng có người đưa sẽ có người nhận chứ. Đó là tham nhũng, tiêu cực chứ đâu.

Hay cái phát ngôn “điều chỉnh có một tí mà đã ầm lên” như của ông Cục trưởng Cục đường sắt cũng hoàn toàn sai, đi ngược lại với thực tế.

Công trình quá hạn gây thiệt hại rất lớn cho đất nước. Một công trình giao thông chậm vài năm có thể gây thiệt hại gần bằng giá trị cây cầu đó.

Việc đội giá lên 60%, tương đương hơn 300 triệu USD của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng là điều không thể được. Khi để xảy ra đội giá, chậm tiến độ lẽ ra anh phải nhận khuyết điểm trước nhân dân, nhận sai sót trước Bộ Giao thông Vận tải. Đằng này đã yếu kém như vậy lại còn tự bào chữa cho mình.

Khi có nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật Bản, phía Bộ GTVT đã đình chỉ chức vụ hàng loạt quan chức, yêu cầu giải trình. Tuy nhiên vẫn không có quan chức đường sắt nào chủ động xin lỗi nhân dân hoặc thừa nhận trách nhiệm? Trong khi đó phía Nhật Bản, người khai nhận hành vi đưa hối lộ đã xin lỗi dân, và chủ động xin từ chức.

Riêng tại vụ việc cụ thể này chứng tỏ điều cần làm là khi người ta thấy mình đã sai thì phải chủ động xin lỗi dân, rồi nhận trách nhiệm và nghĩ đến chuyện từ chức. Điều đó cho thấy tầm văn hóa và trách nhiệm của họ với xã hội, với đất nước rất cao. 

Tại nghi án hối lộ này, chưa thấy quan chức đường sắt nào tự giác thừa nhận việc nhận hối lộ hay xin lỗi dân, chứng tỏ tầm văn hóa trong làm kinh tế, trong xã hội thấp. Với ngành giao thông, khi những vụ việc tai nạn, gây chết nhiều người xảy ra nhưng lại chẳng có ai đứng lên nhận trách nhiệm, hay xin từ chức cả. Ngược lại một số người liên quan tìm cách đối phó, trốn tránh và đổ tội cho nhau.

Ông nghĩ sao về quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc đình chỉ, cho thôi chức cấp dưới năng lực kém, phát ngôn không đúng mực?

Việc xử lý của Bộ trưởng Đinh La Thăng là đúng và phải như vậy! Nếu là chúng tôi thì chúng tôi cũng làm như vậy. Thậm chí phải đưa ra kiểm điểm, có giải trình trước Hội đồng kỷ luật của Bộ.

Đã làm thì có sai, nhưng quan trọng anh phải nhận thức được cái sai và phải biết ăn năn, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, chứ không phải tự bào chữa cho mình để trốn tránh trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông! 

Theo Infonet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét