Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Doanh nghiệp chở quá tải nguy cơ phá sản cao

Việc chở quá tải là phi kinh tế, không có hiệu quả, khó quản lý lái xe, hư hỏng phương tiện... Hơn thế, nếu chở quá tải dẫn đến tai nạn, nguy cơ phá sản đối với doanh nghiệp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Duy Biểu - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thanh Hà (Khánh Hòa) - một đơn vị vận tải kiên quyết nói “không” với nạn quá tải đã khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Báo Giao thông.




Chở quá tải là phi kinh tế

Nói về tâm lý của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá trong bối cảnh siết chặt tải trọng hiện nay, theo ông dùng từ gì để thể hiện là đúng nhất? 

Trong khi các doanh nghiệp vận tải khác đang đứng ngồi không yên thì tôi có thể khẳng định chúng tôi khá ung dung. Sở dĩ chúng tôi không có gì lo ngại vì chưa bao giờ doanh nghiệp của tôi chở quá tải. Điều này xuất phát từ nhận định việc chở quá tải là phi kinh tế, không có hiệu quả, khó quản lý lái xe, phát sinh chi phí tiêu cực, tốn kém nhiên liệu, hư hỏng phương tiện… Đơn cử như một giàn lốp, nếu xe chạy đúng tải có thể sử dụng được 2 năm thì xe vận chuyển hàng hóa  quá tải thường chỉ 6 tháng là phải thay…

Vì thế, theo tôi, nếu chúng ta quyết tâm kiểm soát chặt tải trọng xe và có lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp lớn có sự chuyển hướng thì tôi tin các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa sẵn sàng chấp hành, ủng hộ. Bởi hầu hết họ đã biết rõ việc chở quá tải là lợi bất cập hại. Và khi đã nhận ra được lợi ích từ việc chở hàng đúng tải thì họ sẽ sẵn sàng chấp hành qui định về tải trọng của Nhà nước.

Ông nói từ lâu doanh nghiệp của ông chạy đúng tải. Điều này có vẻ rất khó tin, bởi nhiều lái xe nói, với giá cước như hiện nay, không chạy quá tải thì không khác nào tự tử, không có lãi. Ông giải thích thế nào về điều này?

Theo tính toán, nếu xe chở gấp đôi tải trọng thì giá cước hạ xuống so với mặt bằng thực tế khoảng 50%, nhưng nếu chở đúng tải, việc tăng cước cũng chỉ ở mức khoảng 40% bởi một số loại chi phí trong giá cước vận tải không có sự thay đổi như: Nhân công, nhiên liệu, chi phí khấu hao, tiêu cực phí đều giảm.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 40/63 tỉnh, thành phố đang đồng loạt cân tải trọng xe. Tính đến cuối ngày 3/5, các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động đã cân gần 1.800 xe, phát hiện 248 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 15,8%. Trong 3 ngày đầu của tháng 5, các trạm đã kiểm tra 3.900 xe, phát hiện 710 xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép, chiếm tỉ lệ 18,2%.
Nếu chạy đúng tải, tiêu hao nhiên liệu giảm được 10 – 15%, hao mòn lốp có thể giảm đến 40%, giảm tiêu cực phí chi cho CSGT, trạm cân … Hơn thế, đối với các doanh nghiệp, nếu cứ chở quá tải để xảy ra tai nạn, nguy cơ phá sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào … Nếu có sự điều tiết của xã hội, tôi tin lợi ích của việc chạy đúng tải trọng qui định sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì thế phải kiên quyết làm thì giá cước vận tải sẽ dần đi vào trật tự. Tôi nghĩ đây là một dịp tốt để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn hiện nay trên thị trường vận tải.

Tôi tin, các đơn vị làm ăn bài bản thường không bao giờ muốn van chuyen hang hoa  quá tải vì nó không đem lại lợi ích kinh tế và gây mất ATGT.  Họ làm liều thành quen, giờ bảo họ dừng lại, họ thấy khó chịu vậy thôi.

Tỉnh làm không nghiêm, phải kỷ luật lãnh đạo

Việc cân xe đồng loạt trên các quốc lộ khiến nhiều chủ xe, lái xe tìm đủ mọi cách né trạm cân. Theo ông lý do vì sao dẫn đến tình trạng bất tuân quy định này?

Để phát huy được hiệu quả của các trạm cân, 63 tỉnh thành cần phải ra quân đồng loạt, chốt trực 24/24h tạo sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải thực hiện nghiêm túc và làm triệt để tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải, lái xe và chủ hàng. Nếu có tỉnh làm, tỉnh không sẽ tạo ra tiêu cực và rất nhiều hệ lụy. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng bất tuân qui định. Nếu không làm nghiêm sẽ nảy sinh tình trạng lái xe, người dân chống đối, gây khó cho chính quyền, bởi họ cho rằng như vậy là không công bằng.

Xung quanh chủ trương cân xe, cá nhân ông và các doanh nghiệp vận tải mong chờ điều gì? Ông có kiến nghị, đề xuất gì để việc cân xe thực sự hiệu quả, tránh tiêu cực?

Theo tôi, nếu tỉnh nào làm không nghiêm phải kỷ luật lãnh đạo, đặc biệt là đối với những tỉnh để xảy ra tình trạng tiêu cực. Những vấn đề phát sinh ở trạm cân tôi cho là lãnh đạo các tỉnh đều biết rất rõ, chỉ có điều họ có chịu làm hay không mà thôi.

Đối với doanh nghiệp, lái xe khi thấy việc này không được làm nghiêm, sẽ phát sinh tiêu cực bởi lái xe, doanh nghiệp cho rằng Nhà nước chỉ nói mà không làm nên họ sẽ cương quyết chống lại chủ trương đó và tìm mọi cách để lách trạm, phát sinh cò “dắt” xe qua trạm…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét