Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Giám sát giá cước vận tải đường bộ

Sau hơn một tháng kiểm tra tải trọng xe, giá cước hàng hóa tại nhiều địa phương đã tăng do cước vận tải tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần tăng cường quản lý kê khai giá hàng hóa trong đó có cước vận tải.

Theo đại diện nhiều DN vận tải tại Hà Nội, sau khi lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên đường thì lượng hàng hóa bị dồn ứ lên tới 40%. Tại các cảng biển, kho bãi chứa hàng ở nhiều địa phương như Hải Phòng, Hồ Chí Minh... cũng đã xảy ra tình trạng hàng hóa bị dồn ứ do việc hạ tải.

Còn theo Bộ Tài chính, giá một số mặt hàng tại các địa phương đã tăng từ 3-10% do tác động của chi phí vận tải tăng. Nhiều DN vận tải tại Đồng Nai than thở: Tùy theo cung đường mà giá cước vận tải tăng khoảng 70% so với tháng 3/2014. Đơn cử như giá cước vận chuyển tháng 3 là 150.000 đồng/tấn, thì tháng 4 giá cước là 260.000 đồng/tấn hàng. Mặt hàng hạt nhựa cũng tăng thêm 2.000 đồng/kg vì lý do bù cho cước vận chuyển.

Ông Nguyễn Quốc Cường, đại diện Công ty vận tải Đường Việt cho biết, trước đây, hầu hết các xe tải đều vận chuyển gấp đôi, thậm chí gấp ba lần tải trọng cho phép vì chủ hàng muốn tiết giảm chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận, còn DN vận tải có thêm nguồn thu để “rải đường”. Ước tính, chi phí “bôi trơn” này chiếm khoảng 10 - 15% giá cước/chuyến. Tuy nhiên, những DN làm ăn chân chính luôn chở đúng tải để dễ quản lý lái xe, xe cũng bền hơn, không mất nhiều chi phí sửa chữa xe do chở quá tải, không mất nhiều tiền nộp phạt.

Theo nhiều chuyên gia, siết chặt kinh doanh vận tải đường bộ là chủ trương đúng, tuy nhiên phải tăng cường công tác quản lý giám sát đồng bộ, không để xảy ra tiêu cực. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý thị trường, quản lý giá để người tiêu dùng không bị thiệt hại do giá cước vận tải gia tăng.
Tăng cường công tác quản lý

Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, đến cuối tháng 4/2014, tỷ lệ xe chở quá tải vi phạm chiếm gần 20% và đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên ở một số địa phương, các lái xe vẫn tìm mọi cách để vượt trạm cân, nhiều xe chở quá tải trọng vẫn “lọt lưới” mặc dù quãng đường khá dài.

Theo ông Cường, hầu hết DN đều ủng hộ và chấp hành chủ trương của nhà nước. Tuy nhiên, các DN kiến nghị, lực lượng chức năng phải công tâm, công bằng khi xử lý vi phạm, không để tiêu cực xảy ra. Việc kiểm tra tải trọng nên tiến hành rộng khắp và duy trì thường xuyên, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột và gây khó khăn cho các DN làm ăn chân chính. Riêng vấn đề giá cả có tăng nhưng khi đi vào ổn định thị trường sẽ điều tiết, bởi trước đây giá cước tính theo tấn, còn như hiện nay tính theo chuyến.

Liên quan đến việc giá hàng hóa tăng do cước vận tải, ngày 9/5/2014, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Bộ này cũng đề nghị các địa phương phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; trong đó có giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng.

Đình Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét